Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đi khám muộn, bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong

Các chuyên gia dịch tễ nhận định, hiện tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) diễn biến khá phức tạp.

Ngày 6/10 PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận 30-50 ca SXH đến khám, trong đó có 15-20 ca nặng có dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện.

Hiện ở Trung tâm số lượng bệnh nhân mắc SXH nằm điều trị chiếm 1/3 tổng số lượng bệnh nhân.

“Tính đến nay đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong, đa số là do đến muộn với bệnh cảnh sốc giảm thể tích, rối loạn đông máu và suy đa phủ tạng. Đáng lưu ý, những trường hợp tử vong do SXH đa phần là người trẻ, trung bình từ 30-35 tuổi, thậm chí không có bệnh nền.

Ngoài ra có một số bệnh nhân phải nhập viện do có cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, đang mắc các bệnh nền như bệnh tim, phổi, ung thư, chạy thận nhân tạo. Đây là những đối tượng bệnh nhân cần phải đặc biệt theo dõi”, PGS Cường nói.

Điều trị bệnh nhân SXH tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (BV Bạch Mai)

Trong đợt dịch năm nay nhiều bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao trong 2-3 ngày đầu tiên mắc bệnh, nhưng đây không phải là dấu hiệu đáng lo. Đến ngày thứ 4-5, khi tiểu cầu hạ nhiều, mới có tình trạng xuất huyết. Tuy nhiên, nhiều người không sốt, nhưng chảy máu nội tạng, thoát huyết tương, cô đặc máu, thoát dịch… rất khó phát hiện.

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus mang Dengue có trong muỗi vằn lây truyền từ người này sang người khác qua vết cắn của muỗi. Có 4 type huyết thanh là D1, 2, 3 và 4. Thời gian ủ bệnh từ 4 đến 5 ngày. Diễn biến lâm sàng trải qua 3 giai đoạn: từ ngày thứ 1 đến ngày 3 là giai đoạn sốt, ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm, từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 là giai đoạn hồi phục.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin, ngày thứ 5 của bệnh cảnh, bệnh nhân có thể hết sốt, chuyển sang giai đoạn nguy hiểm, bị sốc, như thoát huyết tương, cô đặc máu, tụt huyết áp. Nhiều người lầm tưởng hết sốt là đã khỏi bệnh nên chủ quan.

Nguy cơ tử vong cao do cô đặc máu

“Có 2 cơ chế bệnh sinh có thể dẫn đến nguy hiểm. Thứ nhất, khi virus tấn công vào cơ thể sẽ ức chế tủy xương gây hạ tiểu cầu, từ đó dẫn đến xuất huyết.

Thứ hai, virus làm tổn thương thành mao mạch, gây tăng tính thấm làm thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch, hậu quả cô đặc máu, từ đó bệnh nhân có thể sốc do giảm thể tích tuần hoàn.

Hạ tiểu cầu sau một thời gian thì tiểu cầu sẽ lên, nhưng điều trị sốc giảm thể tích do cô đặc máu rất khó chữa. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong”, TS Cường phân tích.

TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, các trường hợp nhẹ hoặc SXH trong những ngày đầu có thể điều trị và theo dõi tại nhà. Cần uống đủ nước, dùng thuốc hạ sốt - giảm đau paracetamol, nghỉ ngơi, xét nghiệm công thức máu hằng ngày.

“Lưu ý không tự ý truyền dịch và không dùng kháng sinh hay thuốc corticoid. Cần đặc biệt lưu ý từ ngày thứ 4 - 5 trở đi sẽ có hiện tượng máu cô đặc nếu không bù đủ dịch. Xét nghiệm công thức máu nếu thấy chỉ số Hematocrite tăng trên 20% so với ban đầu tức là máu bị cô đặc, phải hết sức lưu ý trong vấn đề truyền dịch”, bác sĩ Cường đặc biệt lưu ý.

Các bác sĩ đều có chung nhận định, nhiều người chủ quan nghĩ SXH là bình thường, cứ sốt vài ngày sẽ khỏi nên ở nhà, chỉ khi nào thấy xuất huyết mới đi viện.

Thực tế là nhiều trường hợp sốt nhưng chưa có biểu hiện xuất huyết nhưng đã bị cô đặc máu dẫn đến sốc. Lúc này điều trị rất khó khăn, thậm chí tử vong. Khi có biểu hiện sốt, cần đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu chẩn đoán xác định và theo dõi điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, không tự ý điều trị tại nhà.

Các trường hợp nặng có dấu hiệu cảnh báo: đau bụng vùng gan, tiểu ít, chảy máu cam, máu lợi, nôn hoặc đi ngoài ra máu; rong kinh, rong huyết ở nữ giới; xét nghiệm công thức máu tiểu cầu giảm nhanh hoặc Hematocrit tăng nhanh cần đến bệnh viện điều trị. SXH khi có dấu hiệu cảnh báo có thể diễn biến rất nhanh.

Trường hợp cần bác sĩ có chuyên môn, nhất là về điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhân cần được đưa đến các cơ sở có sẵn vật tư, thiết bị để có thể hồi sức và được cứu sống. Không phải tất cả các ca bệnh SXH đều có thể chuyển nặng. Nhưng chỉ cần 10% trong số các ca bệnh có biểu hiện nặng nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

80 bệnh nhân SXH trong tình trạng rất nặng

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 70-80 ca SXH, hiện có hơn 30 ca có dấu hiệu cảnh báo - đe dọa diễn tiến nặng. 80 bệnh nhân đang trong tình trạng rất nặng.

“Trong năm nay ghi nhận trường hợp tử vong đáng tiếc. Có bạn sinh viên bị sốt, 3-4 ngày sốt cao có bạn ở nhà chăm. Sau đó lui sốt, bạn đi học thì bệnh nhân ở nhà xuất hiện sốc. Lúc phát hiện đưa đi viện thì đã quá muộn. Có trường hợp tương tự người lớn tuổi, lúc sốt cao pha 1 thì con cái ở nhà chăm sóc. Sang pha 2 đỡ sốt con cái đi làm, để cụ ông ở nhà một mình. Đến cuối buổi quay về thì cụ ông đã diễn tiến nặng”, bác sĩ Cấp nói.

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới