Ngày 11/6, tại Diễn đàn Tổng Biên tập "Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu", lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan báo chí, các chuyên gia truyền thông bàn về những khó khăn của kinh tế báo chí hiện nay, những nỗ lực gỡ khó và kiến nghị chính sách để báo chí tiếp tục phát triển thêm nguồn thu.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Trần Nguyên Huy - Tổng Biên tập Nhà báo & Công luận đặt vấn đề, việc phát triển kinh tế báo chí, bảo đảm nguồn thu từ lâu đã là bài toán nan giải của các tòa soạn, đặc biệt với những cơ quan báo chí tự chủ về tài chính.
Đại dịch COVID-19 - siêu bão khủng khiếp quét qua, để lại những dư chấn nặng nề lên nền kinh tế nói chung, ngành công nghiệp truyền thông nói riêng càng khiến bài toán phát triển nguồn thu trở nên nóng bỏng và cấp bách với giới báo chí.
Phần lớn các tòa soạn bị sụt giảm đến 50% doanh thu và có thể, còn tiếp tục nhiều hơn thế nữa. Để có thể cầm cự, duy trì sự tồn tại, hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin của mình, hầu hết các tòa soạn vừa phải cắt giảm triệt để chi phí vừa phải nỗ lực tìm kiếm nguồn thu mới.
Toàn cảnh Diễn đàn. (Ảnh: Sơn Hải)
Nêu ý kiến tại diễn đàn, Tổng biên tập Báo điện tử VTC News, đưa ra 5 giải pháp tăng nguồn thu cho báo chí hiện nay bao gồm: Tạo nguồn thu từ Google, Facebook và các mạng xã hội lớn; nguồn thu từ các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, internet Việt Nam; kiên trì thu phí nội dung với độc giả (báo điện tử); bán bản quyền; và outsource (làm thuê) tin tức cho các đơn vị có nhu cầu.
Theo Tổng biên tập Báo điện tử VTC News, thực trạng hiện nay nhà mạng được hưởng lợi từ báo chí rất nhiều. Vấn đề các nhà mạng phải trả tiền cho các cơ quan báo chí đã được đề cập từ lâu và rất gay gắt nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Lấy dẫn chứng việc Nghị viện Châu âu mới đây thông qua luật buộc các mạng xã hội lớn như Facebook, Google phải trả tiền cho các nhà sản xuất nội dung trong đó có báo chí, Tổng biên tập Báo điện tử VTC News cho rằng Hội Nhà báo Việt Nam cần liên kết các cơ quan báo chí lại và có đề xuất với Chính phủ, Quốc hội ban hành các nghị định, luật yêu cầu các mạng xã hội phải trả phí cho báo chí.
Tổng biên tập Báo điện tử VTC News cho biết, báo đã chú trọng vào việc làm thuê tin tức, lập đội phóng viên làm thuê cho các đơn vị không có đủ lực và không có chức năng làm báo để họ có thông tin độc quyền, còn VTC News thì có nguồn thu.
Tại diễn đàn, ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên Tập Báo Tiền Phong cho biết, hiện nay bức tranh kinh tế báo chí đang rất ảm đạm. Điều này tác động tiêu cực đến chất lượng báo chí.
Để khắc phục vấn đề này, ông Sơn kiến nghị Nhà nước nên nghiên cứu giải pháp chính sách điều hướng một phần doanh số quảng cáo, truyền thông từ các mạng xã hội (chủ yếu là của nước ngoài) trở lại thị trường quảng cáo, truyền thông trong nước.
Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho rằng nên có chính sách bắt buộc hoặc thuyết phục các nhà mạng chia sẻ cho các báo một phần lợi nhuận từ dịch vụ cung cấp internet (từ những bạn đọc báo điện tử); tiếp tục giảm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí.
Nói về những khó khăn của báo chí, ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, năm 2019 với hơn 900 cơ quan báo chí ở cả 3 loại hình, nhưng tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình chỉ đạt gần 16.000 tỷ đồng, tương đương với doanh thu quảng cáo trực tuyến của các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google ở thị trường Việt Nam.
Chỉ trong 10 năm, khoảng 50% thị phần quảng cáo rơi vào tay các nền tảng số xuyên biên giới. Theo xu hướng này, nguồn thu của báo chí nói chung sẽ ngày một thu nhỏ lại đến mức các báo không còn nguồn thu.
Điều này khiến các cơ quan báo chí phải xoay sở bằng các nguồn thu khác như các hoạt động ngoài mặt báo, vì thế dẫn đến không ít cơ quan báo chí câu view với việc triệt để khai thác, tăng tần suất các thông tin tầm phào, rẻ tiền như một giải pháp kinh tế, cùng những hành vi tiêu cực.
Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng nếu báo chí bị quá phụ thuộc vào một nguồn thu nào đó thì sẽ gặp nhiều rủi ro, cần có chính sách mới hỗ trợ, đầu tư cùng với đó là sự thay đổi của người đứng đầu cơ quan báo chí.
Theo ông Phúc, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đã đến lúc cần nhìn nhận nghiêm túc về hình thức thu phí. Việc thuyết phục độc giả chịu bỏ tiền trong khi họ đã quá quen với những thông tin miễn phí là điều không hề dễ dàng. Và để làm được điều này, các cơ quan báo chí phải có chính sách thắt chặt và kiểm soát gắt gao hơn nữa về vấn đề bản quyền. Báo chí cũng cần đổi mới về nội dung, đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Tại diễn đàn, các lãnh đạo cơ quan báo chí tham dự đã cùng trao đổi, thảo luận về việc phát triển nguồn thu, bảo đảm cho các tòa soạn hoạt động ổn định, hoàn thành sứ mệnh thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội trong bối cảnh kinh tế báo chí ngày càng trở thành vấn đề nóng bỏng và vô cùng khó khăn.
Lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng đã đưa ra những đề xuất, hiến kế cũng như thống nhất về một thông điệp trong đó đề xuất những kiến nghị về chính sách để báo chí tiếp tục phát triển nguồn thu, bảo đảm kinh tế báo chí.