Vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội và Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã phối hợp tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng và phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt ở Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020.
Các chuyên gia đều cho rằng, xe buýt không thể phát triển được do hiện nay gặp nhiều hạn chế về hạ tầng. Minh chứng cụ thể nhất là hiện nay Hà Nội có 96 tuyến xe buýt nhưng lại gần như chưa có đường dành riêng cho xe buýt.
Về giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt tại Hà Nội, Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia đưa ra ý kiến: “Nếu không thể tăng số lượng xe thì còn cách là đưa xe 2 tầng vào hoạt động”.
Phân tích về ý kiến này, tiến sĩ Minh cho biết, do hạ tầng hiện nay không thể tăng thêm xe vì mật độ xe đã nhiều lại phân bổ không đều nên việc nghiên cứu đưa xe buýt 2 tầng vào phục vụ là hợp lý. Việc đưa xe buýt 2 tầng vào sử dụng không chỉ giảm mật độ xe buýt hiện nay mà còn tăng cả về chất lượng phục vụ. “Là người muốn đi xe buýt nhưng tôi không muốn lên một xe buýt chật cứng người” – tiến sĩ Minh nói.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, thành phố cần ưu tiên kết cấu hạ tầng làm bằng được vỉa hè cho người đi bộ để tiếp cận xe buýt, tổ chức một số đoạn tuyến dành riêng cho xe buýt.
Ngoài ưu tiên phát triển hạ tầng, thì nhiều ý kiến cho rằng phải đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ, tăng tiêu chuẩn trong xe buýt nội đô, nâng cao năng lực phục vụ hành khách.
Đặc biệt nhấn mạnh, thành phố cần nhanh chóng xác định lại quỹ đất dành cho hạ tầng của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, ưu tiên hạ tầng cho các trục đường chính, có nhu cầu cao vào khung giờ cao điểm.
Video: Xe buýt "vô tư" đi qua dải phân cách để quay đầu