Năm 2019, điểm trung bình môn Lịch sử là 4,3, môn tiếng Anh là 4,36. Năm nay điểm trung bình môn Lịch sử tăng lên ở mức 5,19 điểm, môn Ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) là 4,57.
Điểm Sử trên trung bình
Điểm môn Lịch sử trên mức trung bình là sự cải thiện tích cực trong việc dạy và học môn này. PGS Đỗ Văn Xê, Hiệu trưởng trường Đại học Hùng Vương cho rằng, đó là kết quả từ sự nỗ lực, cố gắng của các thầy cô, nhà trường, ngành giáo dục địa phương sau khi điểm thi môn Lịch sử năm trước bị dưới trung bình và dư luận phản ứng.
Giáo viên Đặng Ngọc Tú, trường THPT Kim Liên, Hà Nội bày tỏ niềm vui khi phổ điểm thi môn Lịch sử năm 2020 có sự cải thiện. Cô đánh giá, phổ điểm phản ánh đúng năng lực của học sinh và là tín hiệu tích cực cho thấy những thay đổi đúng đắn của Bộ GD&ĐT trong việc ra đề thi, chỉ đạo đổi mới việc dạy- học môn này trong các nhà trường.
“Đề thi năm nay vừa sức hơn với học sinh và có tính mở. Kết quả thi của học sinh theo đó cũng tốt hơn, số lượng điểm 8-9 tăng đáng kể. Tuy nhiên, đề cũng có sự phân loại thí sinh rất tốt nên số lượng điểm 10 không nhiều. Kết quả thi môn Lịch sử đánh giá đúng việc dạy và học trong trường phổ thông và thuận lợi cho các đại học tuyển sinh”, giáo viên trường THPT Kim Liên nói.
Ngoài chất lượng đề thi tốt hơn, theo cô giáo Ngọc Tú, việc Bộ GD&ĐT quy định năm nay thí sinh chỉ được dự thi 1 trong 2 bài tổ hợp thay vì cả 2 bài như các năm trước, nên thí sinh đăng ký bài tổ hợp Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) phải tập trung học và ôn thi tốt hơn cho các môn này. Chất lượng học Lịch sử của các em theo đó được nâng lên.
Dù có cải thiện nhưng điểm trung bình môn Lịch sử vẫn ở top thấp nhất trong tất cả các môn thi. Theo giáo viên trường THPT Kim Liên, điều này là dễ hiểu. Phần lớn học sinh đăng ký bài tổ hợp Khoa học xã hội là để xét tốt nghiệp THPT chứ không phải xét tuyển đại học. So với các môn thí sinh thi để phục vụ việc tuyển sinh và cũng là các môn được quan tâm giảng dạy hơn trong trường phổ thông, kết quả học-thi cử môn Lịch sử tất yếu có khoảng cách và thấp hơn rõ rệt.
Trong khi các môn học khác như Địa lý có thể sử dụng Atlat, Giáo dục công dân gần gũi với đời sống thực tế, môn trong bài Khoa học tự nhiên có thể suy luận logic để tìm ra đáp án, thì đặc thù môn Lịch sử đòi hỏi học sinh phải ghi nhớ, học thuộc mới có thể làm bài. Theo cô Tú, đây là cũng là lý do khiến học sinh không thuận lợi trong làm bài thi môn này và kết quả bị thấp hơn các môn khác.
Giáo viên Lê Thị Mỹ Dung, trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cũng cho biết, điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2020 môn Lịch sử thấp hơn nhiều so với các môn học khác, là điều mà những thầy cô dạy môn học này rất trăn trở.
Tuy nhiên, trong nỗi tâm tư ấy, cô nhìn thấy tín hiệu tích cực khi điểm trung bình môn Lịch sử năm nay cao hơn năm 2019. Với đề thi được đánh giá là phù hợp với thực tế dạy học năm vừa qua, đáp ứng được mục tiêu mới của kỳ thi mà vẫn có sự phân hóa tốt, thì sự cải thiện kết quả thi môn Lịch sử phần nào chứng tỏ chất lượng giáo dục của môn học này ít nhiều được nâng lên.
“Tôi mong thời gian tới môn Lịch sử sẽ được đưa vào nhiều tổ hợp xét tuyển đại học có nhiều học sinh lựa chọn theo học và học tập nghiêm túc, chất lượng hơn. Bức tranh toàn cảnh của giáo dục Lịch sử theo đó sẽ khởi sắc”, cô giáo trường THPT Phan Đình Phùng nói.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. (Ảnh: Hà Cường)
Cần cải thiện trình độ tiếng Anh
Đối với tiếng Anh - môn có điểm trung bình thấp nhất trong tất cả các môn thi và việc điểm trung bình tiếng Anh năm nay chỉ nhỉnh hơn một chút so với năm trước, PGS.TS Đỗ Văn Xê (Hiệu trưởng Đại học Hùng Vương) cho rằng đây là điều bình thường và phản ánh chính xác việc dạy-học ngoại ngữ trong trường phổ thông. “Việc cải thiện trình độ tiếng Anh cho học sinh không phải chuyện có thể làm trong ngày một ngày hai mà cần có quá trình”, ông nói.
TS Lê Thống Nhất cũng cho rằng, kết quả thi tiếng Anh là phản ánh đúng chất lượng học ngoại ngữ trong các trường phổ thông hiện nay. Qua đó, đặt ra yêu cầu là phải nâng cao chất lượng giáo dục ngoại ngữ theo hướng đào tạo công dân toàn cầu. Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, việc đầu tư, đẩy mạnh chất lượng giảng dạy môn tiếng Anh cũng là điều chúng ta cần rất quan tâm.
“Điểm trung bình nâng từ 4,36 lên 4,58, điểm trung vị từ 4,00 lên 4,2, số học sinh đạt điểm thi trên 5 tăng từ 31,26% năm 2019 lên 36,87% năm 2020. Đây là dấu hiệu đáng mừng đối với kết quả học môn tiếng Anh của học sinh cả nước”, một chuyên gia tiếng Anh phân tích.
Lý do của sự khởi sắc này, theo chuyên gia là nhờ sự nỗ lực không ngừng của giáo viên và học sinh để nâng cao chất lượng giảng dạy môn học tiếng Anh, bởi tỷ lệ học sinh lớp 12 được học chương trình môn tiếng Anh hệ 10 (học từ lớp 3 đến lớp 12) năm học 2019-2020 tăng hơn so với năm học 2018-2019. Năm học 2018-2019 số lượng học sinh THPT được học chương trình môn tiếng Anh hệ 10 đạt 14% thì con số này năm học 2019-2020 là 30,5%.
Với tỷ lệ học sinh học tiếng Anh hệ 10 năm ngày càng tăng mạnh trong những năm gần đây, chuyên gia ngoại ngữ này cho rằng, những năm tiếp theo, điểm thi tiếng Anh sẽ tiếp tục được cải thiện.