Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đề nghị cắt giảm hơn 4.700 tỷ đồng vốn ODA

Tổng số đề nghị cắt giảm kế hoạch vốn của các bộ ngành được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, là hơn 4.700 tỷ đồng.

Đây là con số được Bộ Tài chính đưa ra tại Hội nghị với các bộ ngành về giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 9 tháng năm 2020, được tổ chức sáng 12/10 tại Hà Nội. Hơn 4.700 tỷ đồng được các bộ ngành đề nghị cắt giảm kế hoạch vốn.

Theo tổng hợp và đánh giá của Bộ Tài chính, trong thời gian qua, phần lớn các bộ ngành đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt trong thúc đẩy giải ngân. Do đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài trong tháng 9 đạt hơn 4.300 tỷ đồng, tăng gần 560 tỷ đồng so với tháng 8 trước đó, (tăng hơn 3% so với tỷ lệ giải ngân trên kế hoạch vốn được giao đã ghi nhận trong tháng 8).

Bên cạnh đó, 9 tháng qua, các bộ ngành cũng tập trung giải ngân tiếp dự toán 2019 và phần vốn được kéo dài, chuyển nguồn sang năm nay với trị giá hơn 2.600 tỷ đồng. Bộ Giáo dục và Đào tạo là Bộ có tiến độ giải ngân tăng cao nhất trong tháng 9.

Các bộ ngành đề nghị cắt giảm hơn 4.700 tỷ đồng vốn ODA.

Ông Đinh Minh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Giải ngân đến 30/9 đạt 39% so với kế hoạch vốn được giao, tăng 18% so với tháng 8 trước đó. Tăng cao vì chỉ đạo quyết liệt, kiện toàn tổ công tác thúc đẩy giải ngân, tháng 9 làm việc trực tiếp vướng mắc tại các dự án để giải ngân đạt”.

Đến nay, Bộ Tài chính cũng đã ghi nhận 10 trong số 12 bộ ngành cam kết hoàn thành giải ngân năm nay, sau khi điều chỉnh giảm kế hoạch vốn. Trong đó, tổng số đề nghị cắt giảm kế hoạch vốn của các bộ ngành được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, là hơn 4.700 tỷ đồng.

Cần có các giải pháp thúc đẩy giải ngân các bộ ngành đã triển khai hết rồi nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn thấp. Tình trạng khối lượng hoàn thành thanh toán hạn chế. Các bộ ngành tiếp tục đôn đốc các chủ dự án hoàn chỉnh thủ tục trong nước cũng như đẩy nhanh tiến độ dự án”, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính đề nghị.

Đại diện Bộ Tài chính khẳng định trong thời gian tới, tiếp tục coi giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay ODA và vay ưu đãi khác, là nhiệm vụ trọng tâm và sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chủ quản trong các vấn đề liên quan đến đàm phán, ký kết, hoàn thành thủ tục hiệu lực của Hiệp định vay hoặc điều chỉnh Hiệp định vay, ký hợp đồng cho vay lại. Đồng thời, tiếp tục rà soát đẩy nhanh tiến độ các công tác liên quan đến giải ngân và trao đổi với nhà tài trợ các vấn đề phát sinh trong quá trình giải ngân, đồng thuận tìm giải pháp xử lý tốt nhất.

Trung Hiếu/VOV.vn

Tin mới