Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

ĐBQH: 'Nếu quy hoạch đi sau hạ tầng, sẽ luôn luôn rơi vào tình trạng chữa cháy'

"Quy hoạch Thủ đô là quy hoạch dài hạn, chúng  tôi mong muốn trong quy hoạch lần này yếu tố hạ tầng sẽ phải đi trước", PGS.TS Hoàng Văn Cường cho biết.

Hà Nội đang xây dựng Dự thảo Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Quốc hội xem xét. PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, chuyên gia tư vấn chia sẻ với VOV.VN về nội dung này.

- Thưa chuyên gia, đâu là những điểm nghẽn lớn nhất của Hà Nội mà quy hoạch Thủ đô đang cần tháo gỡ. Trong Dự thảo Quy hoạch Thủ đô lần này, đâu là những điểm nhấn quan trọng?

Trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội hiện nay đang có 5 điểm nghẽn chính gồm thể chế, hạ tầng, môi trường và các yếu tố về không gian, hạn chế trong quy hoạch, vấn đề liên quan đến cán bộ và công tác quản lý. Trong 5 yếu tố trên, có lẽ việc đầu tiên cần tháo gỡ là vấn đề thể chế và quyền năng trong thể chế.

Trong Dự thảo Quy hoạch Thủ đô lần này, điểm nhấn sẽ là tạo ra diện mạo mới cho Thủ đô trên các phương diện, kể cả yếu tố vật lý, phi vật chất, theo hướng khai thác tiềm năng thế mạnh, giá trị văn hóa, văn hiến cốt lõi để phát triển các yếu tố khác, tạo nên các giá trị bền vững lâu dài cho Thủ đô.

PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

- Hà Nội có những câu chuyện đến hẹn lại lên liên quan trực tiếp đến vấn đề quy hoạch đô thị như ngập lụt, cháy nổ, trong quy hoạch lần này, những vấn đề này sẽ được khắc phục ra sao, thưa ông?

Mục tiêu của Hà Nội là văn hiến, văn minh, hiện đại, như vậy những yếu tố hiện nay như nhà ở không đạt tiêu chuẩn, ùn tắc giao thông, ngập lụt, ô nhiễm môi trường cần thay đổi để đạt được tiêu chuẩn và tiêu chí về văn minh, hiện đại.

Đây cũng sẽ là những thước đo để từ đó tính toán giải pháp giải quyết vấn đề môi trường, cải tạo đô thị, đầu tư cơ sở hạ tầng ra sao. Đặc biệt cần tạo ra không gian cho sự phát triển đồng bộ của đô thị.

- Lâu nay chúng ta thường nói nhiều đến câu chuyện quy hoạch đi sau sự phát triển của cơ hạ tầng, trong quy hoạch lần này liệu có lo ngại tình trạng này sẽ lặp lại?

Nếu quy hoạch đi sau hạ tầng, chúng ta sẽ luôn luôn rơi vào tình trạng chữa cháy. Quy hoạch Thủ đô là một quy hoạch dài hạn, chúng tôi mong muốn trong quy hoạch lần này yếu tố hạ tầng đi trước.

Do đó vấn đề phát triển hạ tầng theo mô hình TOD (Transit Oriented Development) - mô hình theo sự dẫn dắt của giao thông phải là khâu đột phá quan trọng thay đổi diện mạo, không gian phát triển Thủ đô.

Quy hoạch tổng thể của Thủ đô phải lấy chiến lược phát triển theo hướng nào và từ trục phát triển đó đi đến thiết kế không gian phát triển, hạ tầng kèm theo. Ví dụ hạ tầng giao thông là hạ tầng mang tính dẫn dắt, nhưng cần phát triển hạ tầng số, hạ tầng văn văn hóa để tạo ra đô thị thông minh của kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

- Trong quy hoạch Thủ đô lần này sẽ tính đến việc giảm việc giảm áp lực dân số khu vực trung tâm thế nào và điều này có khả thi không?

Chúng ta không nói là giảm áp lực dân số khu vực trung tâm mà đang bàn đến việc tạo ra sức chứa phù hợp, những khu vực như bảo vệ lịch sử, phố cổ cần lưu trữ để trở thành không gian du lịch. Khi đó những khu vực này chỉ đáp ứng nhu cầu du lịch, người dân sẽ di chuyển sang không gian mới.

Các khu vực khác trong nội đô cũng cần phát triển đồng bộ về hạ tầng, các quy chuẩn về xây dựng để đảm bảo đây là đô thị xanh, văn minh, hiện đại. Khi đã phát triển được như vậy thì người dân sẽ được sinh sống trong các môi trường đầy đủ hạ tầng, giao thông.

Lúc đó sức chứa của đô thị phù hợp với quy mô dân số. Như vậy, chúng ta không nói đến chuyện khu vực này giảm bao nhiêu, khu vực kia giảm bao nhiêu mà quan trọng nhất là những phương án quy hoạch đó phải có khả năng mang yếu tố chứa đựng được quy mô dân số vừa đủ.

- Bất động sản luôn là vấn đề "nóng” được xã hội quan tâm. Trong quy hoạch Thủ đô lần này, theo ông bất động sản cần được quy hoạch ra sao để tạo ra nguồn lực phát triển bền vững cho Hà Nội?

Bất động sản là yếu tố tạo ra các nguồn lực phát triển, tuy nhiên các nguồn lực đó phải là nguồn lực phát triển bền vững. Quy hoạch bất động sản không phải là quy hoạch ra một không gian, sau đó bán đất lấy tiền là xong. Đây là một tầm nhìn hết sức ngắn hạn và tạo ra sự lãng phí về nguồn lực.

Trong Dự thảo Quy hoạch Thủ đô lần này, chúng tôi đề xuất hướng đến tạo dựng các không gian phát triển bất động sản và tạo nên giá trị lâu dài cho bất động sản đó. Như vậy, người dân được hưởng lợi từ các công trình đô thị, hưởng lợi từ các giá trị gia tăng, không phải chỉ sử dụng các yếu tố về bề mặt diện tích đất đai như hiện nay.

Phát triển bất động sản theo hướng chạy theo sử dụng bề mặt đất, dẫn đến nhiều người mua đất không phải vì nhu cầu nhà ở mà để găm giữ, đầu cơ đất đai, tạo ra sự lãng phí về tài nguyên…

- Chúng ta đang hướng đến xây dựng Thủ đô trở thành thành phố đáng sống, tuy nhiên hiện nay vẫn còn rất nhiều vấn đề từ môi trường đến xã hội. Vậy mục tiêu này liệu có khó thực hiện không?

Mục tiêu của Dự thảo Quy hoạch đặt ra là xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hài hòa, Thủ đô xanh, các tiêu chí về đáng sống luôn được đặt ra trong quy hoạch Thủ đô lần này. Không chỉ đáng sống, mà còn hướng đến tạo cho Thủ đô có sức hút mạnh mẽ để thu hút tinh hoa từ khắp mọi miền đất nước, từ đó tạo ra động lực phát triển.

Như vậy các vấn đề bức xúc hiện nay của Hà Nội như giao thông, ô nhiễm môi trường, các vấn đề về không gian, cảnh quan thiên nhiên đều được đặt ra để giải quyết trong quy hoạch Thủ đô lần này.

- Xin cảm ơn ông.

Nguyễn Trang (VOV.VN)

Tin mới