Đại biểu Nguyễn Thị Minh Tâm (Quảng Bình) cho biết, trước Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31 về hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với doanh nghiệp, hộ hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đồng thời, tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã đề nghị các cơ quan liên quan kịp thời hướng dẫn triển khai Nghị định đảm bảo tính khả thi.
Tuy nhiên, tới nay, đã gần bốn tháng triển khai nhưng doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.500 tỷ với gần 600 khách hàng, trong đó tại tỉnh Quảng Bình chỉ có 1 doanh nghiệp vay 500 triệu đồng. Đây là những con số quá thấp so với kỳ vọng đặt ra của Nghị quyết, trong khi doanh nghiệp 2 năm điêu đứng vì đại dịch COVID-19.
Nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm là doanh nghiệp khó đáp ứng được các điều kiện cho vay như phải có lãi ròng ba năm liên tiếp, trong khi doanh nghiệp đã hai năm điêu đứng vì đại dịch COVID-19. Tiêu chí xét duyệt các gói hỗ trợ lại chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp lớn, tài chính tốt. Có hợp tác xã đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất nhưng không có hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính hay có doanh nghiệp không được giải ngân vì không có tài sản thế chấp.
Ngoài các vướng mắc trên, khách hàng cũng e ngại tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất này bởi sau này sẽ phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Tâm (Quảng Bình) nêu ý kiến tại phiên thảo luận chiều 27/10.
Mặt khác, các ngân hàng ngần ngại khi một số chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây còn chưa được quyết toán, tiếp tục triển khai gói hỗ trợ lãi suất này sẽ gây nhiều hệ lụy.
Trước thực trạng đó, đại biểu Tâm đề nghị Chính phủ nghiên cứu để tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai nghị quyết trên. Cụ thể, huy động các tổ chức tài chính vào cuộc hỗ trợ lãi suất để linh hoạt hơn trong việc xét hồ sơ cho vay, đặc biệt đối với các hộ kinh doanh nhỏ chưa có giấy phép kinh doanh.
Mở rộng đối tượng cho vay đa lĩnh vực hơn bởi có những doanh nghiệp kinh doanh đa lĩnh vực nên khi xét duyệt không đủ điều kiện. Bên cạnh đó hỗ trợ lãi suất các đồng ngoại tệ cho những doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới trần hạn mức tín dụng để các ngân hàng thương mại có thể cho vay đối với các nhóm doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh. Đơn giản hóa thủ tục cho vay nhưng các ngân hàng cũng phải kiểm soát chặt để dòng tiền không đi vào khu vực phi sản xuất kinh doanh để giải quyết được cơn khát vốn của các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất.