UralVagonZavod là nhà máy lớn nhất trong số các nhà máy sản xuất xe tăng của Nga. Hiện tại, nhà máy đang tập trung sản xuất xe tăng T-90M Proriv, công suất là khoảng 20 xe tăng mỗi tháng, tương đương với khoảng 240 xe tăng một năm.
Con số này là cực kỳ khiêm tốn so với ý định mà điện Kremlin đưa ra là 1.600 xe tăng mỗi năm, tương đương với 150 xe mỗi tháng, đồng thời số lượng xe tăng sản xuất hiện tại cũng không đủ so với yêu cầu của quân đội Nga trên chiến trường Ukraine.
Theo thống kê từ phía Ukraine, Nga mất khoảng 150 xe tăng mỗi tháng với đủ kiểu dáng và chủng loại. Phía Nga ít khi công khai các thiệt hại của mình, tuy nhiên con số thực tế dù thấp cũng có khả năng vượt qua năng lực sản xuất của nước này. Và không có cách nào để nhà máy UralVagonZavod có thể sản xuất đến quy mô 50 xe tăng trên một tháng, chứ chưa nói đến 150 xe tăng.
Bên trong nhà máy sản xuất xe tăng UralVagonZavod
Những khó khăn của nhà máy UralVagonZavod
Theo Bulgarian Military, Nga đã ban hành lệnh nâng công suất sản xuất quân sự lên tối đa. Thời gian làm việc không phải 8 tiếng một ngày nữa mà là 12, đôi khi 14 tiếng. Việc tăng ca của người lao động là tự nguyện, bất cứ ai đủ khả năng có thể đăng kí thời gian tăng ca.
Tuy nhiên, tại thành phố Nizhny Tagil, nơi đặt nhà máy UralVagonZavod không có đủ lực lượng lao động. Dân số của thành phố chỉ hơn 300.000 người. Vì vậy Nga buộc phải huy động những người từ các vùng khác tới.
Nhưng điều này cũng gây phát sinh chi phí như chỗ ở, khí đốt, điện, nước, thực phẩm và phương tiện đi lại. Trong khi mức lương tại UralVagonZavod không cao, đặc biệt là sau khi cuộc xung đột nổ ra.
Thiếu nhân sự và phải huy động nguồn lực từ các khu vực khác dẫn đến trình độ chuyên môn của họ không đồng đều. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất xe tăng tại nhà máy. Trong những tháng tới, số lượng lớn xe tăng Nga thiệt hại tăng lên, không chỉ T-72 hay T-80 mà ngay cả T-90M Proriv cũng phải chung số phận.
Theo các chuyên gia, bên cạnh những khó khăn trên, các nhà máy sản xuất xe tăng của Nga sẽ phải đối mặt với một vấn đề khác, đó là lệnh trừng phạt từ phương Tây. Hiện tại, mọi thứ không giống như một năm trước. Vào thời điểm đó, Mỹ và châu Âu đang áp đặt các biện pháp trừng phạt không hiệu quả.
Xe tăng T-90 trong nhà máy.
Tuy nhiên, hiện tại những biện pháp trừng phạt đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp quân sự của Nga. Giá sắt tăng, các linh kiện và thiết bị điện tử không thể nhập khẩu. Điều này tác động như thế nào đối với quân đội Nga?
Những thiết bị điện tử và bộ chuyển đổi quang điện do Nga chế tạo có chất lượng thấp, ảnh hưởng lớn đến khả năng chỉ huy và độ chính xác khi bắn của xạ thủ. Việc thiếu khả năng tiếp cận các phụ tùng cũng làm suy yếu lớp giáp của T-90M.
Áp lực từ chiến trường
Bên cạnh việc bảo đảm sản lượng sản xuất mới thì Nga cũng phải quan tâm đến việc sửa chữa những xe tăng bị hỏng. Hiện Nga đang xây dựng hai nhà máy mới chỉ để sửa chữa những thiết bị như vậy.
Nếu số lượng xe tăng bị phá hủy trên chiến trường vẫn không giảm, nhiều khả năng nhà máy UralVagonZavod cũng sẽ phải tham gia sửa chữa cho những xe tăng bị hư hỏng, điều này sẽ ảnh hưởng đến sản lượng xe tăng T-90 hàng tháng.
Một số chuyên gia nhận định, việc Nga huy động xe tăng T-54/T-55 và xe tăng T-62 nhằm mục đích giảm thiệt hại cho các loại xe tăng chủ lực ở mặt trận. Điều này sẽ giúp cho nhà máy UralVagonZavod có thêm thời gian để tập trung sản xuất T-90.
UralVagonZavod cũng đã xây dựng các xưởng sản xuất mới. Mục tiêu của họ là tăng sản lượng xe tăng. Nhưng điều này vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu 150 xe tăng mỗi tháng.
T-54/55 của Nga có mặt tại chiến trường Ukraine.
Một điều thú vị nữa là nhà máy UralVagonZavod không chỉ sản xuất xe tăng mà họ còn tham gia chế tạo các đoàn tàu dân dụng, tàu cao tốc và toa tàu điện ngầm. Trên lĩnh vực dân sự, nhà máy UralVagonZavod đang gặp nhiều khó khăn khi bị vướng vào các vụ kiện do vi phạm hợp đồng.
Các nhà phân tích của tạp chí Bulgarian Military theo dõi việc cung cấp xe tăng từ nhà máy UralVagonZavod từ năm 2022 và nhận thấy, có một khoảng thời gian vào cuối năm 2022, trong gần ba tháng, cứ mỗi tuần điện Kremlin lại thông báo về việc chuyển giao xe tăng T-90M mới. Tuy nhiên theo các chuyên gia phương Tây, số lượng xe tăng được chuyển giao là rất hạn chế và đây có thể là cách Nga đánh lừa tình báo Ukraine và phương Tây.
Xe tăng Nga bị bắn cháy trên chiến trường Ukraine.
Nga quá tải sản xuất xe tăng?
Mặc dù có nhiều nguồn tin đưa ra những con số thiệt hại trong cuộc xung đột, nhưng không có thông tin chính xác là Nga mất bao nhiêu xe tăng. Do đó, một số cơ quan thận trọng trong tuyên bố của họ. Ví dụ, như Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Và Quốc Tế của Mỹ (CSIS) họ chỉ ước tính số lượng xe tăng Nga bị phá hủy nằm trong khoảng từ 1.845 đến 3.511 chiếc và hầu hết là xe tăng T-72.
Nếu lấy con số trung bình trong khoảng này là 2.670 xe tăng, đồng nghĩa với việc Nga mất trung bình 220 xe tăng mỗi tháng. Việc sản xuất số lượng xe tăng này có thể thực hiện được nhưng trong điều kiện thời Liên Xô, khi tất cả các cơ sở sản xuất đều hoạt động hết công suất.
Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại Nga chỉ duy trì được một nửa số cơ sở sản xuất và sữa chữa xe tăng. Theo nhận xét của các chuyên gia phương Tây, nhà máy UralVagonZavod đang trong tình trạng khó khăn và không thể đáp ứng kịp nhu cầu của quân đội Nga. Ngay cả khi một nhà máy sản xuất quy mô như UralVagonZavod có thể nhanh chóng được thiết lập, thì việc đáp ứng yêu cầu xe tăng cho Nga cũng khó có thể thực hiện được.
Những phân tích của các chuyên gia phương Tây cho thấy nhiều khó khăn trong ngành công nghiệp quân sự Nga nói chung và việc sản xuất xe tăng nói riêng. Tuy nhiên những thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo và chưa thể phản ánh một cách đầy đủ về thực trạng sản xuất xe tăng Nga hiện nay.