Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đám đông ‘hôi’ tiền cô gái đánh rơi: Lòng tham khiến người ta độc ác và vô sỉ

(VTC News) -

Vơ vét tiền rơi hỉ hả đút túi mặc cho cô gái mất tiền khóc mếu van xin, những kẻ hôi của kia dường như không nhận ra mình vô sỉ và độc ác, bởi lòng tham làm mờ mắt.

Video: Người đi đường tranh nhau nhặt tiền cô gái đánh rơi trên đường

Công an Quận 7, TP.HCM đang điều tra, làm rõ vụ cô gái đánh rơi 30 triệu đồng trên đường D4, phường Tân Hưng và bị đám đông tranh nhau nhặt sạch trong vòng 15 giây, được ghi lại trong clip khiến mạng xã hội sục sôi từ ngày 29/1. Theo clip này, khi nhìn thấy những tờ tiền rơi vãi từ một phụ nữ trẻ đi xe máy qua, hết người này đến người khác vội vàng lao đến nhặt nhạnh, không phải để trả cho người mất mà là chiếm đoạt.

Khi cô gái quay lại thì chẳng còn đồng nào, lời van xin kể lể của cô không khiến họ động lòng. Người phụ nữ bán nước gần đó - người xông ra đầu tiên và vơ được phần lớn số tiền - chỉ trả lại 4 triệu đồng cho cô gái nghèo từ Long An lên Sài Gòn làm thuê lấy tiền trả nợ và chữa bệnh cho mẹ.

Với địa chỉ rõ ràng nơi xảy ra vụ việc, với sự hỗ trợ của camera và với nghiệp vụ của lực lượng công an, tôi tin không khó để nhanh chóng tìm ra những kẻ hôi của. Có lẽ đến lúc này họ vẫn không nghĩ hành động của mình đáng khinh, đáng lên án thế nào. Họ sẽ ngụy biện, sẽ lừa mình dối người rằng không ăn trộm ăn cướp của ai cả, rơi thì nhặt. Nhưng tôi tin trong thâm tâm, họ không thiếu hiểu biết đến mức không nhìn ra bản chất hành vi của mình. Có lẽ chỉ khi bị xử phạt, bị chỉ mặt đặt tên, họ mới bị buộc phải nhìn thẳng vào bản chất việc mình làm, vào sự thật về lòng tham của mình.

Ảnh cắt từ clip cho thấy những con người cắm cúi nhặt tiền rơi, nhưng không phải để trả lại chủ sở hữu.

Chính lòng tham đã khiến họ trở nên độc ác và vô sỉ. Độc ác ở chỗ, họ nỡ chiếm đoạt tiền của cô gái nghèo phải để con cái ở quê lên thành phố lăn lộn làm thuê, 30 triệu là số tiền cô tích cóp cả năm, vừa rút ra để trang trải nợ nần và giúp mẹ chữa bệnh. Tàn nhẫn ở chỗ, cô ấy ở trước mặt họ rơi nước mắt van xin mà họ chẳng mềm lòng, không chút áy náy, cắn rứt, không thèm quan tâm cô ấy sẽ khốn đốn thế nào khi năm hết Tết đến bị chủ nợ gây sức ép.

Vô sỉ ở chỗ, họ cướp trắng trợn số tiền của người khác mà không hề có cảm giác xấu hổ, không cảm nhận được sự sai trái. Câu "Nhặt được của rơi, trả người đánh mất" mà ai cũng được học trong các bài đạo đức thuở mới cắp sách tới trường, họ gạt ra khỏi đầu. Giây phút đó, họ quên hết lòng tự trọng, chỉ nghĩ đến số tiền mà họ cho là "từ trên trời rơi xuống". 

Trong khi đó, điều 230 Bộ luật Dân sự quy định, người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đó thì phải thông báo hoặc trả lại, nếu không biết địa chỉ thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND hoặc công an cấp xã nơi gần nhất. Rõ ràng, chủ nhân số tiền kia đứng sờ sờ trước mặt họ, van xin hết lời, nhưng chẳng ai muốn trả. Riêng người phụ nữ bán nước vừa chửi mắng vừa trả lại 4 triệu đồng, nhưng đó chỉ là một phần trong xấp tiền chị ta "nhặt" được, giống như kiểu "đưa cho yên chuyện" mà không nghĩ rằng chị ta không có quyền giữ số tiền kia, vì nó không phải của chị ta.

Chẳng lẽ, khi tìm được những kẻ hôi của trong clip trên, ngoài việc buộc họ trả lại tiền, còn phải yêu cầu họ học lại một khóa về đạo đức, với những bài học cơ bản nhất?

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Nguyễn Công

Tin mới