Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, giới đầu tư như đang "ngồi trên đống lửa" với sự sụt giảm nhanh chóng của các kênh đầu tư tài chính, chứng khoán.
Theo khuyến cáo của một số chuyên gia kinh tế, lúc này nên nhắm tới những kênh có tính thanh khoản cao như tiết kiệm, vàng, USD và kiên nhẫn chờ thời cơ với chứng khoán, bất động sản. Song, cũng có những lời khuyên ngược lại, hãy đem tiền gửi ngân hàng hoặc cứ "án binh bất động" tạm thời dù bạn đang có sẵn tiền mặt trong tay.
Với tâm lý “ăn chắc mặc bền”, nhiều người dân Việt Nam lâu nay vẫn lựa chọn kênh ngân hàng là kênh trú ẩn an toàn nhất. Mặc dù không phải là kênh sinh lời lớn, song đây là kênh không tiềm ẩn những rủi ro nhiều như vàng hay bất động sản, chứng khoán...
Gửi tiết kiệm ngân hàng thường được coi là kênh bảo toàn vốn, kệ cho tiền "ngủ đông". (Ảnh minh họa: KT)
Giữ tiền mặt hay gửi tiết kiệm?
Tờ Economic Times cho rằng, nếu bạn đang gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng thì hãy cứ để đó bởi hiện tại không phải là thời điểm tốt cho bất kỳ quyết định đầu tư nào.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường mà vẫn đầu tư thì chẳng khác gì dấn thân vào nguy hiểm. Đầu tư khi chưa biết đến tương lai là dấn thân vào bóng tối vô định mà không có ngọn đuốc trong tay, Economic Times nêu rõ.
Một số nhà đầu tư sành sỏi đưa ra lời khuyên: Tiền mặt là "vua" trong thời điểm suy thoái nhưng để tiền mặt trong nhà là một phương án tồi. Do đó, gửi tiết kiệm là lựa chọn phải có trong danh mục của nhà đầu tư giai đoạn này, đặc biệt là đối với những người không am hiểu tài chính.
Tuy vậy, nhà đầu tư cũng có thể tham khảo các kênh khác để lựa chọn phù hợp hơn và thực hiện triệt để phương pháp "không bỏ trứng một rổ".
Có nên mua vàng?
Vàng được xem là tài sản trú ấn an toàn và có tính thanh khoản cao khi kinh tế bất ổn. Nhưng giá vàng hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu nên rất khó để xác định "giá trị thực", khá rủi ro với nhà đầu tư chọn sai thời điểm mua vào.
Mặc dù trong mấy tháng gần đây vàng đã có xu hướng tăng giá nhưng kim loại quý này đã từng chứng kiến những đợt bán tháo do tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư trước những diễn biến khó đoán định của dịch bệnh và bất ổn kinh tế toàn cầu.
Theo khảo sát của Hội đồng vàng thế giới, nhiều ngân hàng trung ương cho biết trong 5 năm tới họ không có kế hoạch bán vàng. Nếu họ không bán ra thì đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho giá vàng.
Diễn biến giá vàng trồi - sụt khó lường. Có dự báo "sốc" rằng vàng sẽ đạt mức trên 2.000 USD/ounce trong năm nay. (Ảnh minh họa: Economic Times)
Chia sẻ trên Bloomberg, ông Wayne Gordon - Giám đốc điều hành tại đơn vị quản lý tài sản của Tập đoàn UBS Group AG - cho biết, mua vàng có thể mang lại lợi nhuận trong giai đoạn khủng hoảng. Song do bất ổn, giá vàng có thể liên tục trồi sụt khiến nhiều nhà đầu tư lỡ mua "lướt sóng" thua lỗ. Nhiều người đã buộc phải bán vàng chịu lỗ để đổi lấy tiền mặt.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, sự biến động của giá vàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên luôn biến chuyển phức tạp. Vàng vẫn luôn là kênh đầu tư nhiều rủi ro. Do vậy, nhà đầu tư nên cân nhắc khi đổ tiền vào vàng vào năm nay.
Nếu mua vàng thì nhà đầu tư nên đầu tư dài hạn trên 1 năm và tránh "lướt sóng" do giá thế giới và trong nước chênh lệch rất lớn khi thị trường biến động mạnh.
Mua USD có lợi không?
Có ý kiến cho rằng không nên kỳ vọng hưởng lợi nhiều từ việc mua USD so với gửi tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam. Về dài hạn, sau khi dịch bệnh bùng phát và ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ, nợ chính phủ tăng lên rất mạnh và chính phủ Mỹ sẽ phải in thêm tiền khiến đồng USD mất giá. Do đó, đầu tư vào USD không phải là ý tưởng hay để sinh lời tốt, tuy nhiên khá an toàn.
Với những biến động từ dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng và rất khó tránh việc tiền đồng bị mất giá so với USD. Tuy nhiên, khả năng tiền đồng mất giá mạnh là rất khó xảy ra vì dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang dồi dào, lạm phát được kiểm soát khá tốt.
Có nên rót tiền vào chứng khoán?
Chứng khoán được coi là kênh đầu tư chỉ mang lại thành công với những người có kiến thức và chuyên nghiệp. Đối với chứng khoán, các tổ chức, các quĩ đầu tư buộc phải tham gia đầu tư để phân bổ tài sản của mình nhiều hơn chứ không hẳn là kênh hiệu quả của nhà đầu tư cá nhân.
Trong đại dịch COVID-19, thị trường chứng khoán trong nước liên tục lao dốc do tác động từ những tín hiệu xấu từ chứng khoán thế giới, khiến không ít nhà đầu tư hoang mang.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, chứng khoán lao dốc lại là cơ hội để bắt đầu bỏ tiền vào cổ phiếu để sở hữu một danh mục giá rẻ. Nhà đầu tư nên lựa chọn những công ty lớn, dẫn đầu để sống sót qua khủng hoảng, hoặc công ty nhỏ có dòng tiền tốt, cổ tức tốt bù đắp lại cho mức giảm thị giá trước mắt và hồi phục nhanh sau khủng hoảng.
Bất động sản liệu có sinh lời?
Theo nhận định của các chuyên gia, trong năm 2020, ngành bất động sản sẽ có nhiều dư địa để các nhà đầu tư lựa chọn, do các chính sách đối với ngành này đã tạo nên sự ổn định hơn. Vì thế, đây sẽ là một kênh đầu tư đáng quan tâm trong 2020 với những nhà đầu tư am hiểu thị trường này.
Thị trường bất động sản đang chịu ảnh hưởng đáng kể của dịch bệnh, khiến thanh khoản toàn thị trường sụt giảm. Nhưng nếu nhìn một cách tổng thể, tiềm năng sinh lời trên thị trường này vẫn rất lớn. Dù còn những ý kiến trái chiều nhưng bất động sản vẫn được đánh giá là có triển vọng sinh lời hơn cả bởi nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam chưa bao giờ hạ nhiệt, nhất là tại các thành phố lớn.
Khi nhà đầu tư "bơm" tiền vào nhà, đất thì cần cân nhắc kỹ nếu muốn đón đầu, lưu ý tránh những dự án có thông tin "bơm thổi" khiến giá tăng dựng đứng. Giá trị bất động sản tăng phải tỷ lệ thuận với giá trị đầu tư thật sự (hạ tầng, dịch vụ, kỹ thuật...).
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang biến động mạnh do đại dịch COVID-19, thị chứng khoán lao dốc, bất động sản đóng băng, vàng bị bán tháo, USD mất điểm thì đầu tư vào đâu lúc này vừa an toàn vừa sinh lời cao là rất khó.
Giới chuyên gia khuyên các nhà đầu tư thời điểm này cần tỉnh táo lựa chọn kênh có mức độ rủi ro ít nhất, tính thanh khoản cao và tuyệt đối không nên "bỏ trứng vào 1 giỏ".