Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cú hích bản quyền 300 tỷ đồng nâng tầm V.League

(VTC News) -

Con số 300 tỷ đồng cho 5 mùa giải dành cho V.League vẫn còn khiêm tốn nhưng đó là một cú hích quan trọng định vị thương hiệu cho giải đấu số 1 Việt Nam.

V.League kiếm ra tiền

Trước thời điểm năm 2022, bản quyền truyền hình V.League vẫn là một khái niệm mơ hồ. Không phải giải đấu không kiếm dược tiền từ việc nhà đài khai thác quyền phát sóng. Nhưng, giá trị quy đổi cho gần 200 trận đấu của một mùa giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam lại không đạt được như lãnh đạo VPF hay CLB kỳ vọng.

Nhìn lại giai đoạn từ 2016 đến 2022, đối tác cũ sở hữu bản quyền truyền hình của VPF chịu hoàn toàn việc sản xuất và phát sóng trực tiếp trên các hạ tầng internet và truyền hình để đổi lại bản quyền truyền hình. Đây là một kiểu hợp tác “đổi - trả”, VPF được quyền khai thác quảng cáo trên sóng truyền hình.

V.League bây giờ là giải đấu có bản quyền truyền hình giá hàng chục tỷ đồng mỗi năm. (Ảnh: Đức Minh)

Tới 2018, khi hội đồng quản trị khóa mới tiếp quản, Công ty VPF được đối tác này trả thêm một khoản tiền mặt với con số khoảng 2 tỷ đồng cho mỗi mùa giải. Quả thực, con số ấy là rất khiêm tốn, nếu đặt lên bàn cân với mức đầu tư dao động từ 50-60 tỷ đồng/năm mà một CLB chi ra để vận hành trong cả mùa giải.

Phía VPF hoàn toàn hiểu con số còn khiêm tốn ấy. Nhưng đơn vị chấp nhận và coi việc hợp tác giữa hai bên phù hợp với bối cảnh thực tế để dần phát triển, lan tỏa hình ảnh giải đấu. Nhưng theo thời gian, với sự phát triển không ngừng của xã hội hiện đại, sự phát triển của mạng xã hội và đa dạng hóa các nền tảng truyền hình, hình ảnh của V.League cũng được lan tỏa trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.

Điều đó đồng nghĩa giá trị của V.League cũng được nhân lên gấp bội. Chính bản thân các CLB cũng kêu gọi một sự thay đổi mang tính cách mạng về bản quyền truyền hình tại V.League. Và sự bắt tay hợp tác của VPF và FPT Play được xem là bước tạo đà cho sự phát triển của các giải đấu chuyên nghiệp quốc gia.

60 tỷ/mùa. 300 tỷ/5 năm. Con số ấy quả thực là một đòn bẩy lớn, nếu so sánh với giai đoạn trước đó mà bản quyền truyền hình chỉ mang tính quy đổi. V.League thực sự bắt đầu kiếm ra tiền. Quan trọng hơn, giá trị của V.League được nhìn nhận ở mức độ lớn hơn. Đó là tiền đề cho những đợt đàm phán tiếp theo trong tương lai gần, xoay quanh việc khai thác bản quyền truyền hình của giải đấu số 1 Việt Nam.

"Kiềng 3 chân" tạo sự vững vàng cho V.League

Không chỉ là bản quyền truyền hình, VPF và FPT là đối tác chiến lược, phối hợp trong mọi vấn đề liên quan đến khai thác thương mại, phát triển hình ảnh. FPT Play cũng cam kết giá trị có thể sẽ tăng theo từng năm, cùng với việc thúc đẩy tiêu chuẩn sản xuất trận đấu trực tiếp tốt hơn, đảm bảo tất cả các trận đấu trong hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia đều được phát sóng trực tiếp, đa dạng hóa các nội dung truyền thông cho giải đấu...

Gói bản quyền truyền hình hàng trăm tỷ đồng mang về nguồn tài chính để V.League thực hiện những thay đổi mang tính bước ngoặt. (Ảnh: Đức Minh)

Các CLB – nhân tố chính cấu thành nên các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia – được hưởng lợi trực tiếp về mặt tài chính từ những gì đang diễn ra. Việc phát triển hình ảnh, truyền thông giải đấu cũng giúp các đội bóng tham dự tăng thêm giá trị, sự hấp dẫn với các nhà đầu tư, quảng cáo.

Công ty VPF thì không còn phải chia nguồn lực để làm cả việc mình không chuyên, chỉ cần tập trung vào công tác tổ chức, phát triển chuyên môn giải đấu – nhiệm vụ cốt lõi và cũng là thế mạnh của đơn vị này. Hợp đồng đối tác toàn diện giữa VPF và FPT Play còn là sự cam kết về tính ổn định trong tương lai.

Câu chuyện bản quyền truyền hình V.League trở thành sự thực kèm theo tính ổn định cao cho thấy sự phát triển đúng hướng về tầm nhìn vĩ mô của đơn vị nắm quyền tổ chức giải đấu và cũng cho thấy sự phát triển theo hướng chuyên nghiệp đáng ghi nhận từ các đội bóng cho đến các cấu phần khác tạo nên giải đấu.

Nhìn sang Thai League, đã có thời điểm giải đấu của nước bạn khiến cả người trong giới lẫn người hâm mộ phải ước ao. Nhưng đến thời điểm này, chúng ta đã và đang đi đúng hướng với sự phát triển ổn định trong dài hạn.

SiamSport – tờ báo thể thao uy tín hàng đầu Thái Lan - đưa ra những con số đầy bất ngờ. Thai League từng có giá tới 1,05 tỷ baht (hơn 720 tỷ đồng) cho mỗi mùa giải. Tuy nhiên, giờ đây các nhà đài chỉ chấp nhận bỏ ra con số bằng 1/20 (khoảng 33 tỷ đồng) so với thời kỳ hoàng kim 2017-2020 cho bản quyền phát sóng Thai League 2023/24, và bằng 1/6 so với mùa giải trước. Thậm chí, giải đấu hấp dẫn nhất Đông Nam Á còn đối mặt với nguy cơ tiếp tục bị đại hạ giá trong tương lai.

Trong khi đó, V.League đã có bước nhảy vọt và trong ít nhất 5 năm tới, các đội bóng được hưởng lợi hơn rất nhiều. Con số 60 tỷ mỗi mùa có thể chưa làm hài lòng số đông và chưa thấm tháp gì so với khoản tài chính các CLB chuyên nghiệp phải bỏ ra để duy trì hoạt động, nhưng với định hướng phát triển một cách bền vững và ổn định với những con số tích cực, chúng ta có quyền tin tưởng và tương lai đầy hứa hẹn của bóng đá chuyên nghiệp nước nhà.

Xuân Phương

Tin mới