Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

COVID-19 khiến 'kinh tế chưa bao giờ khó dự báo như hiện nay'

Nói về sự bất định hiện nay, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, kế hoạch mở cửa lại với một số nền kinh tế đã có ngày cụ thể cũng bị lùi vì COVID-19.

"Chưa bao giờ công tác dự báo kinh tế lại khó như bây giờ bởi quá nhiều yếu tố bất định, nhất là liên quan tới COVID-19", ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư nói tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/8.

Ngay các dự báo của các tổ chức quốc tế cũng thay đổi liên tục. Hồi tháng 3 Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 khoảng 4,9%, nhưng tại báo cáo gần nhất, tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng GDP về còn 2,9%...

Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư. (Ảnh: MPI)

 

Về đợt bùng phát COVID-19 lần này tại Đà Nẵng và lây lan ra 7 tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư nói "tác động chắc chắn sẽ có". Du lịch lữ hành và vận tải là hai lĩnh vực bị tác động tức thì, khi đồng loạt khách hàng huỷ tour, huỷ hợp đồng vận chuyển.

"Tại báo cáo đưa ra hồi tháng 6, chúng tôi đã cảnh báo nếu Việt Nam phải hứng chịu làn sóng COVID-19 lần thứ hai như đợt một, tác động tới kinh tế xã hội sẽ cực kỳ lớn", ông Phương nói.

Tuy nhiên, khác với đợt dịch hồi đầu năm thực hiện giãn cách xã hội trên toàn quốc trong 20 ngày khiến tăng trưởng GDP rất thấp, lần này lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo chỉ áp dụng giãn cách xã hội tại các vùng dịch. Việc làm này nhằm mục tiêu kép vừa dồn lực dập các ổ dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội. Do đó, có thể hy vọng tác động tiêu cực sẽ ít hơn.

Song để có đánh giá đầy đủ hơn về tác động của đợt dịch lần 2 tới nền kinh tế, ông Phương nói cần thu thập dữ liệu đầy đủ. Hiện Bộ này tập hợp dữ liệu, xây dựng kịch bản điều hành chi tiết, đầy đủ và sẽ báo cáo Thủ tướng trong tháng 8.

Hồi tháng 5, Chính phủ đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế xã hội năm 2020. Ở kịch bản 1, Việt Nam cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4, các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam hồi phục trong quý III. Theo đó, dự kiến GDP tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu 6,8%).

Kịch bản 2, Việt Nam cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam hồi phục trong quý IV, GDP tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm so với mục tiêu 6,8%).

Tại cuộc họp Chính phủ tháng 8, báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,4% so với tháng 6, và tăng 3,39% so với cùng kỳ 2019. Lạm phát cơ bản tháng 7 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 2,31% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân 7 tháng, lạm phát cơ bản tăng 2,74% so với cùng kỳ 2019.

Bất chấp COVID-19, cán cân thương mại của Việt Nam trong 7 tháng vẫn dương, xuất siêu 6,5 tỷ USD. Bảy tháng có 75.200 doanh nghiệp đăng ký lập mới, nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, hoàn tất thủ tục giải thể gần 31.000 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong quý II và 6 tháng đầu năm 2020, đã có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do dịch bệnh, trong đó 2,4 triệu lao động mất việc, tỷ lệ thất nghiệp cả nước tăng 2,73%; khu vực thành thị tăng 4,46%; khoảng 17,6 triệu người giảm thu nhập do dịch COVID-19. Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung nguồn lực giải quyết tồn tại này bởi "nếu không quan tâm tới những vấn đề việc làm, lao động thì tình hình sẽ rất phức tạp".

Nguồn: VnExpress

Tin mới