76 ngày là thời gian thi công các hạng mục xây dựng với 6,57 km đường dây trung thế, 20,285 km đường dây hạ thế, 10 trạm biến áp với tổng công suất 501 kVA,cấp điện cho 621 hộ dân thuộc các xã: Sín Thầu, Chung Chải, Mường Nhé, Mường Toong, Pá Mỳ huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, công trình đã về đích trước tiến độ 12 ngày so với kế hoạch.
Hành trình đưa điện đến từng hộ dân quả không đơn giản đối với Công ty Điện lực Điện Biên, bởi lẽ ở đây đồng bào sinh sống không tập trung, gần như mỗi hộ dân nửa quả đồi hoặc xa hơn, chưa kể đường đi đến các thôn bản là đường đất nhỏ. Nhìn những cột điện chót vót trên những đỉnh đồi với đường dây tỏa đi bên các sườn đồi núi cheo leo sẽ thấy rõ những gian truân và nỗ lực của cán bộ, công nhân ngành điện trong hành trình mang ánh sáng tới các bản vùng cao.
Công nhân Điện lực Mường Nhé thao tác đóng SI trạm biến áp
Chỉ tay về phía đường dây trung thế, anh Tuấn, Công ty Mạnh Sang (đơn vị thi công) cho biết: “Người dân nơi đây sống không tập trung, nhà cách nhà rất xa, ngăn cách bởi đồi cao. Địa hình khó khăn lại chủ yếu là đường mòn nên để vận chuyển vật liệu xây dựng, cột điện…nhà thầu buộc phải mở đường. Có những đoạn đường mòn rộng không đến 1m, để xe chở cột điện đến khu vực thiết kế xây dựng Trạm biến áp, cột phải dùng máy xúc mở rộng. Trong quá trình thi công, dựng cột tất cả vật liệu cát, sỏi, đá, xi măng đều phải chở bằng xe máy thậm chí là đi bộ qua con đường người dân làm nương hoặc phát mới”.
Theo lịch trình, điểm phát điện đầu tiên trong ngày là bản Hua Sin 1 và Hua Sin2. Đối với người dân nơi đây, ước mong có điện lưới quốc gia bấy lâu nay đã trở thành hiện thực. Khi chưa có điện lưới, một số hộ dân phải tận dụng nước suối để lắp máy phát điện, nhưng điện yếu và chập chờn chỉ đủ thắp sáng một bóng điện trong nhà.
Không giấu nổi niềm vui, Trưởng bản Hua Sin 1 chia sẻ: “Hua Sin 1 có 46 hộ, 100% thuộc hộ nghèo. Việc không có điện dẫn đến thiếu hụt các dịch vụ thông tin là một trong những nguyên nhân dẫn đến cái nghèo. Bây giờ có điện lưới rồi, điện thoại không phải đem đi sạc nhờ, không cần dùng đèn dầu nữa có thể mua quạt, ti vi về dùng, được xem phim, xem các cách làm kinh tế hay trong cả nước…dần dần cuộc sống của người dân sẽ ổn định, hộ nghèo giảm, vươn lên phát triển kinh tế”.
Bà con dân bản vui mừng kéo đến xem đóng điện.
Khi hoàn thành đóng điện tại Trạm biến áp Hua Sin 1&2 cũng là lúc mặt trời lặn, đoàn công tác tiếp tục di chuyển xuống nhà các hộ dân trong bản. Đây là dự án đưa điện về vùng cao, những nơi còn khó khăn nên người dân được Nhà nước hỗ trợ kéo dây về đến nhà, lắp bảng điện và một bóng điện. Nên nghe tin buổi tối sẽ có điện, người dân các thôn không ai rủ ai đều cố gắng đi làm nương về sớm để chứng kiến ‘thời khắc” bóng điện trong nhà mình bừng sáng, nhất là đám trẻ con, đứa nào cũng vui, phấn khởi và háo hức vì sắp được xem tivi.
Anh Hạng A Tà - bản Hua Sin 2 xúc động chia sẻ: “Cảm ơn Đảng với Nhà nước, bà con di cư từ năm 2008 đến nay, đã được cho tiền làm cái nhà, giờ lại có điện nữa nên rất vui mừng, chúc Đảng, nhà nước và các cán bộ Điện luôn vui vẻ, hạnh phúc. Có điện rồi bây giờ phải chịu khó làm ăn để mua tivi, mua thêm đồ điện về cho con cháu dùng nữa”.
Vợ chồng anh Hạng A Tà - bản Hua Sin 2 vui mừng đón ánh điện vào nhà.
Công nhân Điện lực Mường Nhé hướng dân người dân cách sử dụng điện an toàn, tiết kiệm
Là một trong những hộ mở cửa hàng bán tạp hóa nhỏ tại bản Hua Sin 1, bà Lan bộc bạch: “Có điện rồi gia đình đầu tư mua tủ lạnh bán thêm nhiều sản phẩm vừa tăng thu nhập, vừa để phục vụ nhu cầu của bà con vì lâu nay trẻ con trong thôn có muốn ăn kem cũng phải đợi chợ phiên xuống trung tâm xã mới được ăn. Điện lưới quốc gia tiện lắm, đi làm nương về nóng đã có quạt điện, dần dần mua thêm nồi cơm điện, ấm điện để đun nước”.
Chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui như vỡ òa trên khuôn mặt từng người dân trong ngày đầu dòng điện về với thôn bản. Chia tay bà con vùng cao khi hoàn thành nhiệm vụ đóng điện và hướng dẫn bà con sử dụng điện an toàn, kiểm tra các cột hạ thế. Có điện rồi đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con sẽ có nhiều thay đổi. Ánh sáng văn minh về bản sẽ xóa đi đói nghèo, trình độ dân trí sẽ được nâng lên, tình trạng tảo hôn, sinh nhiều con sẽ không còn. Đồng bào sẽ tiếp cận được nhiều thông tin, học hỏi được cách làm kinh tế giỏi qua ti vi, nỗ lực phát triển kinh tế. Điện về bản, giúp dân “sáng mắt, sáng lòng” để họ ấm lòng tin tưởng và kỳ vọng, phấn đấu cho một tương lai tươi sáng.