- Có lẽ, tư duy khai thác bảo tàng kiểu mới phục vụ Công nghiệp văn hoá bắt đầu từ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam gần 30 năm trước. Tại thời điểm đó, câu chuyện “Công nghiệp văn hoá” vẫn chưa được đặt ra, vậy thì cuộc “đổi mới” trong trưng bày bảo tàng bắt đầu từ đâu, thưa ông?
Nhận thức là rất quan trọng. Vào thời kỳ chúng tôi vẫn đang xây dựng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, có một bức ảnh được đăng tải trên báo chí khiến những người làm bảo tàng hết sức trăn trở. Bức ảnh ghi lại cảnh nhân viên lễ tân tại quầy đón khách của một bảo tàng đang ngủ gục vì không có khách.
Đó cũng là thực trạng chung của các bảo tàng Việt Nam lúc đó. Chúng tôi đã nghĩ, không thể để điều này lặp lại tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Rất may đó là thời điểm thực hiện một số thay đổi trong ngành bảo tàng. Dù Việt Nam thực hiện công cuộc Đổi mới, mở cửa từ năm 1986 nhưng phải tới những năm 1990, tinh thần đổi mới mới thật sự thẩm thấu trong đời sống, ngấm vào mọi hoạt động.
Những người làm văn hoá nói chung và những người làm bảo tàng nói riêng có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với thế giới phương Tây, so sánh với những gì đã được học hỏi, tiếp thu từ các nước thuộc khối Xô Viết.
Thật sự những điều trông thấy làm chúng tôi mở mắt ra, tạo nên một cách nhìn mới về ngành bảo tàng. Khi đã quan sát cách thức các quốc gia phát triển Âu Mỹ, Nhật Bản vận hành bảo tàng, tổ chức và thực hiện các trưng bày trong bảo tàng…, chúng tôi đều thấy rằng, không thể làm bảo tàng như trước nữa.
Câu chuyện của bảo tàng thời gian gần đây, ngoài những lý do nêu trên, còn liên quan tới vấn đề tự chủ của các đơn vị này. Khi đã tự chủ, các bảo tàng, di tích phải làm sao thu hút được khách tham quan, tạo nguồn thu để một phần tái đầu tư vào các hoạt động trưng bày, triển lãm, một phần tăng thêm thu nhập cho cán bộ nhân viên.
Tiềm năng du khách rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch được mở rộng và phát triển, thu hút cả khách nội địa cả khách quốc tế. Vấn đề là các bảo tàng, di tích phải tạo được sức hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức sâu và đa dạng của du khách. Chúng ta đều thấy những nơi nào làm tốt thì du khách đến rất đông.
- Khi quan sát diện mạo của các di tích, bảo tàng trong làn sóng “Công nghiệp văn hoá”, ông có những nhận xét thế nào”?
Trong ngành bảo tàng, theo tôi, có ba trụ cột rất quan trọng: khoa học, nghệ thuật và công nghệ. Khoa học ở đây là khoa học trong các hoạt động của bảo tàng mà trước hết nằm ở nội dung các triễn lãm, trưng bày. Từ nội dung này, các nhà thiết kế đưa ra các ý tưởng, sáng tạo trong trưng bày, triển lãm, sử dụng các công nghệ mới, hiện đại để phục vụ cho trưng bày, thể hiện tốt nội dung và tăng thêm trải nghiệm cho người đến thăm các trưng bày, triển lãm. Nghĩa là ba trụ cột ấy phải liên kết với nhau một cách hài hoà.
Có một điều rất thú vị là hiện nay, việc thực hiện các trưng bày, triển lãm, hoạt động xương sống của các bảo tàng được thực hiện tốt nhất ở hai nơi không phải là bảo tàng theo nghĩa đen.
Đứng vị trí số một phải kể đến di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Nhóm thiết kế cho Trung tâm Văn Miếu – Quốc Tử Giám là những chuyên gia người Pháp, có người đã đồng hành cùng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ngay từ rất sớm. Họ phối hợp rất tốt với nhóm làm nội dung cũng như nhóm thi công từ đó, cho ra mắt công chúng nhiều trưng bày hấp dẫn như: Quốc Tử Giám – trường Quốc học đầu tiên, Khơi nguồn đạo học…
Đơn vị thứ hai tôi muốn nhắc tới là hai Trung tâm Lưu trữ Quốc gia: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3. Bằng những trưng bày đã thực hiện như “Cầu Long Biên – Chứng nhân lịch sử”, “Châu bản triều Nguyễn”, “Thành xưa – phố cũ”, “Đấu xảo – nơi tinh hoa hội tụ”…, họ đã làm thay đổi nhận thức về lưu trữ. Đó là lưu trữ gắn với xã hội, với cộng đồng và khiến cộng đồng gần gũi hơn với lưu trữ thông qua các trưng bày, triển lãm.
Trụ cột thứ 3 là công nghệ đã phát huy thế mạnh trong đột phá này. Các tư liệu gốc được scan lại và trình chiếu, sử dụng công nghệ, đồ hoạ, chiếu phim, phỏng vấn để kết nối, dẫn dắt câu chuyện.
Những trưng bày được thực hiện ở di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám và hai Trung tâm lưu trữ Quốc gia đã tạo nên một nhận thức mới. Trưng bày không nhất thiết phải dựa trên hiện vật thật. Vấn đề là phải có câu chuyện, xây dựng nội dung câu chuyện sao cho kể được một cách thu hút dựa vào nghệ thuật và công nghệ.
Một biến đổi đáng ghi nhận nữa là trình diễn trong các di tích, di sản. Di tích Nhà tù Hoả Lò, sau đó là Hoàng Thành Thăng Long đã tạo ra được những trình diễn rất hay, truyền tải những thông điệp hàm chứa kiến thức lịch sử, văn hoá, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của người Việt Nam.
Sức hút đặc biệt của Di tích Nhà tù Hoả Lò còn được thúc đẩy nhờ đội ngũ truyền thông trẻ, năng động, sử dụng các nền tảng mạng xã hội của giới trẻ. Dù thế nào, truyền thông phải gắn với nội dung, thông điệp và nếu không có nội dung tốt, trưng bày tốt thì truyền thông giỏi tới đâu cũng chỉ mang tới sự quan tâm hay những xu hướng nhất thời.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam lại cho ta một ví dụ thú vị về quan niệm trưng bày mới nhất là tổ chức trải nghiệm ngay trong trưng bày. Phòng trưng bày về văn hóa Hàn Quốc ở tòa nhà Cánh diều rất hấp dẫn với các bạn trẻ, cứ thứ 7, Chủ nhật họ đến rất đông để thực hành nhiều loại trải nghiệm khác nhau, để thưởng thức các tuyệt phẩm trong các video clip. Đó cũng là một nét mới.
- Dù so với những năm 1997, chúng ta thấy nhiều điểm sáng hơn trong hoạt động bảo tàng nhưng bức tranh chung của ngành bảo tàng vẫn chưa thực sự khả quan. Nút thắt đang nằm ở đâu, thưa ông?
Như tôi đã nói, đối với hoạt động bảo tàng, phải bắt đầu từ nội dung và đổi mới sáng tạo trong thiết kế hay ứng dụng công nghệ đều phải xoay quanh nội dung. Thế nhưng, bi kịch nằm ở chỗ mấy chục năm nay, ngành bảo tàng không xây dựng được quy chế, đơn giá cho việc thiết kế nội dung, chính là kịch bản hay đề cương trưng bày.
Những người làm nội dung cho bảo tàng phải đi làm thuê cho đơn vị thiết kế, công việc xây dựng kịch bản, đề cương trưng bày nhiều khi được coi là một phần việc của đơn vị thiết kế trưng bày bảo tàng. Bảo tàng và người làm nội dung trưng bày không làm chủ được công việc của mình, điều này hoàn toàn xa lạ với thông lệ quốc tế.
Vấn đề thứ hai là về nhân lực. Ngành thiết kế nội thất của Việt Nam tương đối phát triển nhưng thiết kế trưng bày bảo tàng vẫn thiếu rất nhiều, vẫn là một điểm tối. Đó là bởi, những người làm việc trong lĩnh vực này chưa có được môi trường cọ xát, đổi mới, sáng tạo.
Trừ một số ít các bảo tàng, di tích quyết tâm tạo đột phá, họ biết sử dụng đội ngũ chuyên gia, thiết kế người Pháp, người Mỹ và một vài nhóm người Việt thực sự say mê với thiết kế bảo tàng, muốn đem đến sự sáng tạo, tươi mới trong từng trưng bày.
Một số nhóm thiết kế thường thắng thầu và chủ trì nhiều thiết kế trưng bày nhất lại là những đơn vị ít sáng tạo nhất. Lẽ ra các nhà quản lý các cơ quan văn hóa hay chủ đầu tư các dự án văn hóa phải biết sử dụng, khêu gợi những nhà thiết kế trẻ Việt Nam, hình thành nên nhiều nhóm với các tư duy thiết kế khác nhau, cạnh tranh với nhau để có thể có những ý tưởng mới, đột phá, ganh đua với các nhà thiết kế trên thế giới.
Nếu chỉ dựa thuần túy vào bề dầy của hồ sơ lý lịch của một đơn vị thiết kế nào đó để chọn thầu thì nhiều khi bỏ lỡ và không khuyến khích được những tài năng sáng tạo mới nổi lên và sẽ không bao giờ có được nhiều đơn vị thiết kế có những ý tưởng mới ở trong nước.
- Ông chưa nhắc tới vấn đề mà nhiều người sẽ nhắc tới đầu tiên: nguồn lực đầu tư để khai thác di tích, bảo tàng phục vụ Công nghiệp văn hoá. Rõ ràng, vẫn phải cần một số tiền nhất định chi cho các hoạt động đổi mới, sáng tạo trong triễn lãm, trưng bày, trình diễn…, từ đó tạo ra nguồn thu quay vòng các hoạt động của bảo tàng, di tích?
Tôi biết hiện nay Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đang rất chật vật vì thiếu kinh phí. Dù nguồn thu từ bán vé của bảo tàng này tương đối cao so với mặt bằng chung nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để họ có thể duy trì hoạt động và đầu tư cho các ý tưởng, kịch bản trưng bày, triễn lãm mới. Nhiều cơ hội, nhiều ý tưởng bị mất đi vì không có kinh phí thực hiện. Vậy phải tìm kinh phí cho hoạt động của các bảo tàng như thế nào?
Trên thế giới, rất nhiều quỹ tư nhân được thành lập để tài trợ cho các hoạt động như giáo dục, văn hoá, khoa học… Trong lĩnh vực văn hoá, phải kể đến có quỹ Rockerfeller, quỹ Ford, quỹ Toyota. Mỗi nước có rất nhiều quỹ to nhỏ khác nhau phục vụ cho những nhu cầu khác nhau để phát triển hoạt động bảo tàng. Không có những quỹ này chắc bảo tàng ở các nước cũng khó khăn như ở nước ta…
Tương tự, muốn ngành bảo tàng Việt Nam phát triển, tham gia tích cực vào Công nghiệp văn hoá thì không những phát triển và sử dụng có hiệu quả các quỹ văn hóa của nhà nước mà còn phải cho phép và khuyến khích thành lập nhiều quỹ tư nhân khác nhau. Từ đó, từ có quỹ sẽ có cơ chế khai thác cho hiệu quả các nguồn quỹ như vậy.
Nhìn chung, khi xã hội càng giàu có, văn minh, nhu cầu đầu tư cho hoạt động văn hoá ngày càng cao. Nếu không tạo ra không gian và cách thức để việc đầu tư đi đúng hướng, được khuyến khích và giám sát bởi những người làm chuyên môn và những nhà hoạt động văn hóa, xã hội, kinh tế khác nhau mà để nó diễn ra một cách tự phát, sẽ phát sinh những sai lầm không thể vãn hồi.
Cách đây chừng 20 năm, một doanh nhân đã tài trợ cho một địa phương miền núi tiền trùng tu một di tích trên địa bàn. Vấn đề nằm ở chỗ, đó là tường thành đắp bằng đất, sau khi được tài trợ để trùng tu, nó trở thành một tường thành xây bằng đá. Khi nhà tài trợ được quyền can thiệp trực tiếp vào quá trình trùng tu di sản hay xây dựng các triễn lãm, trưng bày, nguy cơ như vậy luôn hiện hữu.
Tóm lại, bảo tàng là nơi tích hợp nhiều lĩnh vực của công nghiệp văn hoá, làm tốt trong hoạt động bảo tàng sẽ tạo nên một động lực thúc đẩy công nghiệp văn hoá. Tư duy về công nghiệp văn hoá nên bắt đầu từ những bước đi ngắn và cụ thể như vậy.