Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cơn ác mộng của ôtô cỡ nhỏ giá rẻ tại Việt Nam

Giảm doanh số, mất thị phần, xe hạng A còn đang chịu sức ép không nhỏ từ các phân khúc lân cận, đặc biệt là nhóm xe điện mini giá rẻ sắp đổ bộ thị trường Việt Nam.

Sau đợt hồi phục vào tháng 2, doanh số phân khúc xe hạng A tại thị trường Việt Nam ghi nhận đà suy yếu trong 2 tháng liên tiếp. Ở tháng đầu tiên của quý II, sức tiêu thụ chung mà Hyundai Grand i10 và Kia morning đạt được chỉ là 618 xe, giảm gần 26% so với doanh số ghi nhận được trong tháng 3.

Các dòng xe hạng A nói chung dường như không còn sức hút tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Mạnh Quân.

Nhàm chán, bán chậm

Sau sự rời đi của Toyota Wigo, Honda Brio và đáng kể nhất là VinFast Fadil, phân khúc xe hạng A tại thị trường Việt Nam chỉ còn là cuộc đua song mã nhàm chán giữa Hyundai Grand i10 và Kia Morning.

Tuy nhiên, khác với những diễn biến gay cấn trong cuộc đua doanh số ở thập niên trước, Kia Morning giờ đây đã đánh mất vị thế của mình và không còn là đối thủ ngang tầm với Hyundai Grand i10.

Sau 12 tháng của năm 2022, Kia Morning đạt doanh số 3.979 xe, chỉ xấp xỉ một phần ba thành tích bán hàng mà Hyundai Grand i10 đạt được trong cùng kỳ.

Bước sang năm mới 2023, Hyundai Grand i10 cũng nhanh chóng vượt lên với doanh số 2.739 xe sau 4 tháng, tương đương sức bán gần 685 xe mỗi tháng.

 

Trong khi đó, doanh số của Kia Morning trong 4 tháng đầu năm chỉ là 603 xe, nghĩa là chưa thể sánh ngang sức tiêu thụ trung bình mà đối thủ duy nhất trong phân khúc sở hữu.

Tính đến thời điểm hiện tại của năm 2023, Hyundai Grand i10 gần như chắc chắn sẽ trở thành xe hạng A bán chạy nhất thị trường ôtô Việt Nam, bất chấp việc Toyota Wigo sắp quay trở lại chinh phục khách hàng Việt.

Dù vẫn đạt doanh số khá tốt cùng vị trí tiệm cận nhóm 10 xe bán chạy nhất thị trường, Hyundai Grand i10 nói riêng và nhóm xe cỡ nhỏ giá rẻ nói chung tại Việt Nam đang phải nhận không ít sức ép từ các phân khúc lân cận, vốn có giá bán chênh lệch không quá nhiều nhưng lại vượt trội về không gian, trang bị cũng như động cơ.

Lợi điểm bán hàng độc nhất dần phai mờ

Giá rẻ từ lâu đã là yếu tố khiến phân khúc xe hạng A trở thành lựa chọn hàng đầu của người làm nghề dịch vụ vận tải lẫn các gia đình trẻ và những ai lần đầu mua xe.

Trước vô vàn lựa chọn ôtô trên thị trường, không ít người sẽ bị mê hoặc bởi lợi điểm bán hàng độc nhất (Unique Selling Point – USP) này của nhóm xe hạng A và nhanh chóng bỏ qua các yếu tố khác như động cơ, không gian hay trang bị trên xe.

Tuy nhiên, yếu tố chiến thắng nói trên của nhóm xe hạng A đang dần bị xóa nhòa một cách khách quan lẫn chủ quan thông qua sự ra đời của hàng loạt mẫu xe và phân khúc mới, vốn có giá bán cạnh tranh cùng nhiều ưu điểm hơn so với xe hạng A.

Giá bán được xem là lợi thế hàng đầu của xe hạng A trên thị trường ôtô Việt Nam. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Cụ thể, nhóm MPV bình dân với những cái tên như Mitsubishi Xpander (555-698 triệu đồng), Toyota Avanza Premio (558-598 triệu đồng) hay Hyundai Stargazer (575-685 triệu đồng) chỉ có giá khởi điểm nhỉnh hơn phiên bản cao nhất của các xe hạng A không quá 120 triệu đồng.

Nếu thích kiểu dáng SUV, khách hàng Việt Nam cũng có thể tìm đến Kia Sonet hay Toyota Raize, vốn dĩ cũng là những mẫu xe hạng A sở hữu giá bán tương đối dễ tiếp cận nhưng lại ghi điểm nhờ yếu tố gầm cao cùng động cơ khỏe.

Khi lợi thế về giá bán dần bị xóa nhòa bởi khoảng giá niêm yết của các đối thủ ở phân khúc lân cận, xe hạng A dần mất đi thị phần tại thị trường Việt Nam qua từng năm. Tuy nhiên, cơn ác mộng của nhóm xe hạng A dường như chỉ vừa bắt đầu.

Làn sóng xe điện mini giá rẻ

Hồi tháng 2, TMT Motors xác nhận sẽ lắp ráp và phân phối mẫu xe điện cỡ nhỏ Wuling Hongguang Mini EV tại thị trường Việt Nam. Ở Trung Quốc, Wuling Hongguang Mini EV được niêm yết với giá khởi điểm 4.766 USD, tương đương với việc người dân chỉ phải trả khoản tiền chưa đến 120 triệu đồng để sở hữu.

Trong khi đó tại thị trường Thái Lan, Wuling Hongguang Mini EV được hãng xe Trung Quốc giới thiệu với mức giá khởi điểm 10.674 USD, tương đương khoảng 250 triệu đồng.

Ôtô điện mini có thể là cơn ác mộng tiếp theo dành cho nhóm xe hạng A tại thị trường Việt Nam. Ảnh: TMT Motors.

Ở thời điểm hiện tại, giá bán của Wuling Hongguang Mini EV tại Việt Nam vẫn chưa được xác nhận chính thức. Tuy nhiên với mức giá giả định tương đương thị trường Thái Lan, ôtô điện mini của Wuling sẽ trở thành mối đe dọa thực sự đến miếng bánh thị phần ít ỏi còn sót lại của nhóm xe hạng A.

Dù không thể sánh bằng Hyundai Grand i10, Kia Morning hay sắp tới là Toyota Wigo về sức mạnh động cơ cũng như không gian nội thất, xe điện mini sẽ nắm giữ ưu thế không nhỏ nhờ mức giá bán hấp dẫn. Tình thế này khá tương đồng với giai đoạn trước đây, khi nhóm xe hạng A nổi lên như một thế lực của thị trường ôtô Việt Nam nhờ giá bán dễ tiếp cận bậc nhất dù hạn chế về kích thước và nhiều yếu tố khác.

Trong đó, nhờ giá bán hấp dẫn thông qua nhiều chính sách ưu đãi khác nhau, VinFast Fadil từng vượt qua không ít cái tên quen mặt với người tiêu dùng trong nước như Toyota Vios, Hyundai Accent hay Ford Ranger để trở thành mẫu xe bán chạy nhất thị trường ôtô Việt Nam trong năm 2021.

Dù vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi, không thể phủ nhận VinFast Fadil đã có một năm thành công và gây tiếng vang lớn tại thị trường Việt Nam trong năm đó. Giá bán, tất nhiên, là một trong những yếu tố tạo nên thành tích vô tiền khoáng hậu này.

Bên cạnh Wuling Hongguang Mini EV như đã đề cập ở trên, VinFast cũng có kế hoạch sản xuất một mẫu xe điện cỡ nhỏ với giá bán xấp xỉ 10.000-12.000 USD trong tương lai.

VinFast xác nhận sẽ sản xuất một mẫu xe điện cỡ nhỏ với mức giá hấp dẫn. Ảnh minh họa: Microlino.

Nếu mẫu xe này được hiện thực hóa trong khi mức giá vẫn giữ nguyên, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được trao thêm một lựa chọn xe điện cỡ nhỏ khác với giá bán chỉ tương đương 280 triệu đồng.

Ở thời điểm hiện tại, phiên bản hatchback số sàn tiêu chuẩn của Hyundai Grand i10 đang có giá niêm yết 360 triệu đồng, thấp nhất phân khúc xe hạng A. So với mức giá dự kiến của xe điện mini thương hiệu VinFast, con số vừa nêu nhỉnh hơn khoảng 80 triệu đồng và cao hơn đến 110 triệu đồng so với mức niêm yết phỏng đoán của Wuling Hongguang Mini EV tại thị trường Việt Nam.

Theo nguồn tin từ Reuters, BYD đã công khai bày tỏ mong muốn mở nhà máy sản xuất xe điện ngay tại Việt Nam, bên cạnh một nhà máy khác đang được xây dựng tại Thái Lan.

Nếu được xúc tiến, nhiều khả năng BYD Seagull sẽ là một trong những mẫu xe được hãng sản xuất ôtô hàng đầu Trung Quốc mang ra giới thiệu khách hàng Việt Nam. Tại Trung Quốc, giá niêm yết khởi điểm của BYD Seagull khá hấp dẫn khi không cao hơn 11.000 USD, tức chỉ tương đương khoảng 257 triệu đồng.

Với giá bán hấp dẫn, các mẫu xe điện mini có thể trở thành lựa chọn hàng đầu cho khách hàng Việt Nam lần đầu mua xe, hoặc những ai có nhu cầu di chuyển nội đô và du lịch với quãng đường không quá lớn. Dù không thực sự rõ ràng, giá bán có thể sẽ là yếu tố khiến xe điện mini trở thành cơn ác mộng tiếp theo dành cho phân khúc xe hạng A tại thị trường ôtô Việt Nam.

Nguồn: Zing News

Tin mới