Mã chứng khoán của VEAM tăng mạnh kể từ đầu năm, bất chấp những thông tin trái chiều liên quan đến lãnh đạo và tài chính. Theo đó, khép lại phiên giao dịch cuối tuần, mã VEA đứng mức 49.600 đồng, tăng 3,12%, tương đương mỗi cổ phiếu “bỏ túi” thêm 1.500 đồng.
Tính từ đầu năm (1/1-13/12) mã VEA trải qua 238 ngày giao dịch, biến động giá tăng 11.200 đồng, tức 29,2%. Với hơn 1,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, vốn hoá VEAM tăng thêm 14.560 tỷ đồng. Dù tăng mạnh so hồi đầu năm, song so với mức đỉnh lập vào tháng 7 (đạt 64.500 đồng/cổ phiếu ngày 26/7), cổ phiếu VEAM vẫn mất khoảng 20% giá trị.
VEAM chi hơn 5.160 tỷ đồng trả cổ tức năm 2018.
Báo cáo tài chính cho thấy 9 tháng đầu năm, doanh thu của VEAM đạt hơn 3.350 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại tăng gần 6% so với cùng kỳ lên 5.152 tỷ đồng nhờ các khoản lợi nhuận từ các đơn vị liên kết, tiền gửi ngân hàng. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 9 tháng cũng đạt 3.858,11 đồng.
Riêng quý III, doanh nghiệp do Bộ Công Thương nắm giữ hơn 88,5% vốn ghi nhận doanh thu thuần 1.111 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Do giá vốn hàng bán tăng mạnh lên tới 1.116 tỷ đồng khiến VEAM lỗ gộp gần 5 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của VEAM đạt 254 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước. VEAM hiện có gần 15.000 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương gửi ngân hàng, chiếm gần một nửa tổng tài sản công ty. Trong khi đó, hoạt động liên doanh liên kết mang về cho VEAM 1.655 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi các chi phí phát sinh, VEAM đạt 1.733 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III, giảm nhẹ 6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong diễn biến mới nhất, Hội đồng quản trị VEAM vừa công bố nghị quyết về việc chi trả cổ tức năm 2018, tỷ lệ chi trả là 33,84%, tương đương mỗi cổ phiếu nhận 3.384 đồng. Tổng số tiền VEAM chi trả cổ tức đợt này là hơn 5.160 tỷ đồng.
Bộ Công Thương dự kiến sẽ nhận hơn 4.560 tỷ đồng nhờ đang nắm giữ gần 88,5% cổ phần tại VEAM.
Thời điểm hiện tại, VEAM vẫn tồn tại nhiều vấn đề về quản lý tài sản và công tác cán bộ. Cụ thể, theo kết luận mới được Thanh tra Bộ Công Thương công bố, giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6/2018, kết quả kinh doanh hợp nhất của VEAM hằng năm đều có lãi, song thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda…) mang lại. Trong khi, hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ.
Kết quả thanh tra chỉ ra trong quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót. Cụ thể, có nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, công nợ… gây thiệt hại, lãng phí tài sản của nhà nước.
Do chưa quyết toán cổ phần hóa và bàn giao tài chính từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) sang công ty cổ phần (CTCP) nên một số hợp đồng kinh tế chuyển tiếp chưa được ban giám đốc báo cáo hội đồng quản trị và chưa thực hiện theo quy trình kinh doanh thương mại đối với 1.500 xe Changan.
Bên cạnh đó, việc bảo lãnh cho nghiệp vụ mở và thanh toán L/C cho chi nhánh Công ty TNHH Mekong Auto trong hợp đồng quản lý tài khoản chuyên dụng giữa Ngân hàng Sacombank, VEAM và chi nhánh Công ty TNHH Mekong Auto trong việc mua bán lắp ráp xe ô tô Changan chưa thông qua hội đồng quản trị.
Hiện VEAM đang làm việc với các cơ quan nhà nước về khoản ấn định thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu do khai sai mã HS, thuế suất hàng hóa nhập khẩu.
Liên quan tới những vấn đề lùm xùm tại VEAM, đầu tháng 4, Bộ Công Thương đã chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an và cơ quan này đang điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định.