Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội chia sẻ trên Báo VnExpress rằng, nước dừa tươi là thức uống giải khát tự nhiên, an toàn và phổ biến.
Nước dừa ít calo và chất béo nhưng giàu vitamin, khoáng chất cùng nhiều chất dinh dưỡng khác như axit lauric, clorua, sắt, kali, magie, canxi, natri… Đặc biệt, nước dừa rất giàu kali nên bổ sung nước dừa vào những ngày hè oi ả như một cách bù nước cho cơ thể. Nước dừa giúp cân bằng điện giải, tăng cường năng lượng, điều hoà huyết áp, làm đẹp da và hỗ trợ giảm cân rất tốt.
Nhưng có nên uống nước dừa thay nước lọc? Theo Lương Y Bùi Đắc Sáng, việc uống nước dừa thay nước lọc là điều không nên bởi nước dừa rất giàu kali, nếu uống quá nhiều có thể bị giảm huyết áp, mất cân bằng điện giải. Với người có lượng kali cao trong máu, mắc bệnh thận thì không nên uống nước dừa.
Không chỉ vậy, nước dừa cũng chứa nhiều carbohydrate, nếu tiêu thụ quá nhiều có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng tiêu hoá ở người bị hội chứng ruột kích thích.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn - Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, cũng đưa ra quan điểm không uống nước dừa thay nước lọc. Nước dừa rất nhiều lợi ích cho sức khoẻ nhưng không nên uống quá nhiều và không uống trong thời gian dài bởi nó có thể làm rối loạn điện giải và làm ảnh hưởng chức năng cơ.
Để bổ sung đa dạng nguồn dinh dưỡng cho cơ thể, bạn nên ăn nhiều các loại hoa quả, nhất là những loại hoa quả có múi và nhiểu nước. Tuy nhiên nếu do sở thích uống nước dừa thường xuyên thì bạn phải giảm lượng hoa quả khác ăn trong ngày để không bị vượt quá ngưỡng nhu cầu hoa quả khuyến nghị. Nếu uống nhiều nước dừa lại ăn nhiều hoa quả dễ dẫn tới dư thừa năng lượng và thừa lượng đường đơn.
Nước dừa non tốt hơn nước dừa già bởi trong nước dừa non chứa ít đường hơn, không gây ảnh hưởng nhiều tới đường huyết và không gây thừa cân. Với người trưởng thành, chỉ nên coi nước dừa là loại nước giải khát nhưng không nên uống quá 1-2 trái dừa/ngày.