Trả lời phỏng vấn CNN, quan chức chính quyền Mỹ cho biết, Washington đang phải đối mặt với thách thức trong việc hỗ trợ Ukraine, trong đó có kho dự trữ vũ khí “đang cạn kiệt” và khả năng đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp quốc phòng.
Theo quan chức Mỹ mà CNN dẫn nguồn, số vũ khí còn lại trong kho dự trữ Washington có thể gửi tới Kiev là có giới hạn.
Mỹ và đồng minh liên tục viện trợ cho Ukraine từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại nước láng giềng hồi tháng 2. (Ảnh: CNN)
Washington đặc biệt lo ngại về việc thiếu hụt kho dự trữ đạn pháo 155 mm và tên lửa phòng không Stinger. Một số quan chức cũng lo lắng về việc sản xuất các loại vũ khí như tên lửa chống bức xạ tốc độ cao HARM, tên lửa đất đối đất GMLRS và hệ thống chống tăng Javelin.
Tuy nhiên, nguồn tin của CNN khẳng định việc thiếu hụt khí tài trong kho dự trữ không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ. Nguồn vũ khí Mỹ viện trợ cho Ukraine không thuộc kho dự trữ quân bị của Lầu Năm Góc cho các trường hợp dự phòng.
Giới chức Mỹ cho biết, một trong những lo ngại lớn là ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu, trong khi các nước châu Âu không thể bổ sung đầy đủ vũ khí trong kho dự trữ của mình để gửi đến Ukraine. Tuy nhiên, Washington đang cố gắng đẩy mạnh sản xuất một số loại vũ khí để khắc phục nguy cơ thiếu hụt này.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vào cuối tháng 2, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã cung cấp cho Kiev hàng tỷ USD hỗ trợ an ninh. Trong khi Moskva liên tục cảnh báo việc Mỹ và đồng minh liên tục "bơm" khí tài cho Kiev chỉ khiến xung đột kéo dài.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, tính đến đầu tháng 11, Washington đãcam kết gửi cho Kiev hơn 1.400 khẩu Stinger, 8.500 Javelin, 142 khẩu lựu pháo 155 mm và tới 903.000 viên đạn pháo 155 mm.