Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia cảnh báo: Ở trong nhà cũng dễ 'dính' bệnh vì ô nhiễm không khí

Theo chuyên gia về hô hấp, trong nhà người dân vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng hay nhiễm bệnh bởi chất lượng không khí xấu từ nhiều nguồn.

Trong nhà cũng "dính" bệnh

Theo BS CKII Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh Phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương phân tích, do khói bụi bên ngoài nhiều, nên chỉ cần người dân đi lại mở cửa cũng khiến lượng khí thải bay vào.

Bên cạnh đó, nhiều căn hộ gia đình hiện nay có kết cấu xây dựng tuy đẹp nhưng lại không tính toán được sự lưu thông không khí, dẫn đến tình trạng bụi bẩn vào nhưng không thoát ra được mà tích lũy bên trong. Con người sống ở môi trường như vậy có nguy cơ bị ảnh hưởng hay mắc bệnh do ô nhiễm không khí.

“Kể cả đóng cửa cũng có khe hở để khói bụi luồn lách vào rồi gây hại cho sức khỏe con người”, bác sĩ Hồng nói.

 BS CKII Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh Phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương. (Ảnh: NDT)

BS Hồng cũng cho biết, song song với kết cấu nhà ở là những mối nguy hại khác từ trong các hộ gia đình gồm: khói bếp, mùi dung dịch tẩy rửa, dung dịch xịt phòng, thậm chí là cả nước hoa … cũng là nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm trong nhà trở nên trầm trọng hơn.

“Những căn nhà xây dựng lâu năm nên được bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên. Bởi lớp vữa trên tường, nền nhà cũ theo thời gian sẽ bị bong tróc, rơi ra, kèm theo nấm mốc gây bụi bẩn, hại cho sức khỏe. Ngoài ra, mọi người cũng nên đặc biệt chú ý tới gian bếp và phòng tắm của mình, đặc biệt là hệ thống thoát khí.

Về nguyên tắc, nhà bếp bao giờ cũng phải thiết kế thông thoáng để cách ly với nhà ở. Đừng vì nhà quá hẹp mà tiết kiệm diện tích bếp, bởi có nhiều trường hợp thiệt mạng do đun bếp trong nhà nhưng lại đóng kín cửa”, bác sĩ Hồng cảnh báo.

Thời gian gần đây, do tình trạng không khí ô nhiễm kéo dài, nên nhiều gia đình nghĩ tới chuyện dùng các loại máy lọc không khí trong nhà được quảng cáo là lọc sạch bụi, loại trừ bụi mịn, bảo vệ sức khỏe.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Hồng, hiệu quả của các loại máy này chưa thể đánh giá cụ thể được. Dù nói nhiều về công dụng nhưng các nhà sản xuất lại không có hướng dẫn chi tiết riêng cho từng loại. Ví dụ như máy cỡ nào, mỗi lần lọc được bao nhiêu, trong diện tích bao nhiêu thì họ lại không khuyến cáo.

Do vậy, ở góc độ chuyên gia, không thể khẳng định các loại máy lọc có giá trị đến đâu, mức độ hiệu quả thế nào được.

Lượng bệnh nhân nặng nhập viện tăng

Bác sĩ Hồng cho biết, khoảng một tháng trở lại đây, có thể do thời tiết xấu, cộng với tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài nên số lượng bệnh nhân nhập viện tại khoa Bệnh phổi nghề nghiệp có phần tăng.

Tuy tổng số người nhập viện do mắc các bệnh về phổi không tăng rõ rệt nhưng lượng bệnh nhân nặng, đặc biệt là người mắc bệnh hô hấp mãn tính có xu hướng cao hơn so với những đợt trước. Nguy hiểm hơn, khả năng phục hồi của bệnh nhân này cũng rất kém. Như vậy chứng tỏ, hệ thống miễn dịch của nhiều người đang bị suy giảm nghiêm trọng.

“Trước tiên tình trạng ô nhiễm không khí có thể gây viêm nhiễm cấp tính đường thở, kích ứng các bệnh mãn tính xuất hiện sớm hơn dự định. Về lâu dài nếu con người tiếp xúc liên tục với không khí xấu, đến một lúc nào đó hệ thống miễn dịch sẽ bị suy yếu, yếu tố bệnh nặng tăng hơn, càng khó điều trị hơn”, bác sĩ Hồng nói.

 Bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Phổi Trung ương tăng hơn so với thời gian trước.

Trước thực trạng ô nhiễm không khí kéo dài, bác sĩ Hồng khuyến cáo người dân nên thường xuyên theo dõi thông tin từ các nguồn chính thống và các phương tiện truyền thông đại chúng để nắm rõ tình hình thời tiết, từ đó đưa ra biện pháp ứng phó, phòng tránh.

Mọi người nên hạn chế đi lại, hoạt động mạnh hoặc lui tới các khu vực đông phương tiện qua lại, gần nơi công trường xây dựng.

Khả Minh

Tin mới