Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chủ tịch Vietravel: Doanh nghiệp lữ hành khó tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ

(VTC News) -

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vietravel cho hay, doanh nghiệp lữ hành hiện gần như tê liệt, các gói hỗ trợ của Chính phủ lại rất khó tiếp cận.

Sáng 10/6, phát biểu tại hội nghị gặp gỡ để nghe các kiến nghị của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và bàn giải pháp hỗ trợ do UBND TP.HCM tổ chức, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel cho biết, dưới tác động của dịch COVID-19, ngành du lịch gần như bị tê liệt hoàn toàn, đặc biệt là các công ty lữ hành hiện nay hầu hết đã buộc phải đóng cửa.

"Không chỉ ở TP.HCM mà toàn bộ trên cả nước, lữ hành đã dừng hoạt động. Tôi xin nói Viettravel lớn như thế này, đứng số 1 mà vẫn phải dừng hoạt động. Đây là một điều chưa từng có trong lịch sử ngành du lịch", ông Kỳ cho biết. 

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel phát biểu tại cuộc họp.

Trong bối cảnh như thế, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel nêu một loạt khó khăn đối với các công ty lữ hành. Thứ nhất, ông cho rằng, việc giữ chân người lao động hiện nay đang ở vào một thế khó, trong khi đó tài sản lớn nhất của ngành lữ hành là đội ngũ người lao động. Đây đều là những người có chuyên môn, kinh nghiệm làm việc nhiều năm.

Nhưng với tình hình hiện tại khi doanh nghiệp không có nguồn thu sẽ không có nguồn tiền để trả lương cho người lao động.

"Doanh nghiệp có cố đi chăng nữa thì cũng chỉ đủ lương cơ bản thôi và buộc phải cho người lao động nghỉ việc rất là đau xót. Con số này không phải tính bằng ngàn nữa mà bằng hàng chục ngàn. Những người làm hàng chục năm trong ngành du lịch có kinh nghiệm rất khó đào tạo nhưng vẫn phải đưa ra trong khi gói hỗ trợ của chính phủ đa phần rất khó tiếp cận", ông Kỳ nói.

Theo Chủ tịch hội đồng quản trị Vietravel, với tình hình hiện tại thì các công ty lữ hành đang rất cần nguồn vốn để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, việc này cũng rất gian nan, do việc tiếp cận nguồn vốn, lãi suất của các ngân hàng rất khó tiếp cận. 

"Các doanh nghiệp lữ hành hoàn toàn không có tài sản thế chấp lâu dài đủ sức thế chấp ngân hàng mà vay vốn. Khi làm việc các ngân hàng đều rất thiện chí nhưng hầu như không giải quyết được và các doanh nghiệp lữ hành đóng cửa gần hết. Vietravel đến thời điểm này số người lao động chỉ còn 50/1.750 người làm việc, còn lại phải ở nhà hết", ông Kỳ cho biết.

Do đó, ông đề xuất, đối với ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch thì nên chăng có lãi suất 0 đồng cho một thời điểm nào đó để hỗ trợ.

"Chúng ta đã có một doanh nghiệp vận chuyển hàng không được hỗ trợ 14.000 tỷ đồng với lãi suất 0 đồng. Tại sao ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch mà đến thời điểm hiện nay không có một chính sách hỗ trợ nào, chúng tôi khá là bức xúc. Anh em trong ngành không chỉ ở TP.HCM mà cả nước đều rất bức xúc chuyện này", ông Kỳ nói. 

Đối với TP.HCM là một trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, ông Kỳ đề xuất TP cũng cần đi đầu trong việc hoạch định cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động có thể tồn tại được.

Toàn cảnh hội nghị.

Một kiến nghị nữa được ông Kỳ nhấn mạnh là về chính sách thuế. Ông cho rằng, thuế hiện nay vẫn giữ nguyên 10% kể cả trước dịch và trong dịch cũng thế. Do đó ông đề xuất, doanh thu trong ngành du lịch tạm thời là 5%.

"Mà 5% thu đó doanh nghiệp nào hoạt động được thì Chính phủ cho vay ngược lại với lãi suất 0 đồng trong vòng 6 tháng hoặc 1 năm để doanh nghiệp đầu tư ngược lại cho kinh doanh và sau thời điểm đó chúng ta bắt đầu thu lại.

Tức là anh phải kinh doanh, anh phấn đấu làm việc để anh có nguồn thu vì thuế VAT là thuế của người tiêu dùng đóng cho doanh nghiệp thu hộ Chính phủ. Số tiền đó Chính phủ hạ xuống và cho vay ngược lại để thúc đẩy doanh nghiệp, đấy là cơ chế. Nên là đối với thuế VAT chúng tôi kiến nghị phải xem xét lại", ông Kỳ đề xuất.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel cũng kiến nghị TP.HCM xem xét giảm lại tiền thuê đất, thuê nhà do Nhà nước quản lý để các doanh nghiệp giảm bớt áp lực.

"Trước dịch cũng thế, sau dịch cũng thế vẫn giá đó đến ngày, đến tháng là phải nộp, chịu không nổi, doanh thu đâu mà nộp. Chúng ta thấy rằng các khách sạn bây giờ đèn tối thui, các doanh nghiệp lữ hành đóng cửa rồi thì chúng ta nên xem giảm giá tiền thuê đất này đi", ông Kỳ kiến nghị.

Về lĩnh vực hàng không, ông cho rằng TP.HCM là trung tâm lớn nhất của cả nước mà với tình hình hiện tại ông cảm thấy "rất đau lòng".

"Trước dịch một ngày 150.000 khách đi và đến với 700 -1.000 chuyến bay mỗi ngày. Bây giờ khách đi thì khoảng 4.000, khách đến 1.800, còn 32 chuyến bay mỗi ngày. Hầu như máy bay nằm đất hết kể cả VietJet, Viet Nam Airlines, Bamboo Airways, Vietravel bởi vì khách không có, như vậy thì toàn bộ lực lượng lao động hàng không họ đi đâu", ông Kỳ đặt câu hỏi và cho biết mong muốn lớn nhất của các hãng hàng không và sân bay đó là được triển khai ưu tiên tiêm vaccine trong thời gian sớm nhất.

"Tôi đi dự họp thì cũng được anh em gửi gắm rằng, bây giờ là 11.000 lao động mà cho 300 liều vaccine thì chúng tôi biết tiêm cho ai mà một khi trên chuyến bay có một ca nhiễm thì e-kip phải cách ly 21 ngày họ không còn người nữa. Đây là điều các anh sân bay rất sốt ruột", ông Kỳ nói.

Thế Quang - Mai Thúy

Tin mới