Sáng 19/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật (VHNT) diễn ra đúng dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023).
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022.
Dự lễ trao giải có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật Nguyễn Văn Hùng.
Bên cạnh đó, lễ trao giải còn có sự tham dự của các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương, các tác giả, thân nhân tác giả có cụm tác phẩm, tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2021.
Phát biểu tại Lễ trao giải, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng biểu dương, chúc mừng những thành tựu to lớn mà đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam đã đạt được trong những năm qua; chúc mừng các tác giả, thân nhân các tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT.
Chủ tịch nước nêu rõ, đất nước ta đang từng bước vững vàng trong giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi phải phát huy mạnh mẽ sức mạnh con người Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam - động lực và là nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững.
Nhắc lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, Chủ tịch nước nhấn mạnh, những nhà hoạt động và sáng tạo văn hóa, văn nghệ sĩ là những người thắp lên ngọn đuốc soi đường, giữ lửa và truyền lửa, đóng vai trò then chốt đối với việc gìn giữ và phát triển văn hóa.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, trước những thách thức đang đặt ra hiện nay, trước sự đe dọa đối với phẩm giá con người, đất nước ta cần nhiều hơn nữa các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Đó là những tác phẩm phản ánh được thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, tầm vóc của công cuộc đổi mới ở mọi lĩnh vực, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh, phản ánh vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam và khát vọng lớn lao của toàn dân tộc.
“Hơn lúc nào hết, Tổ quốc và nhân dân đang rất cần sự dấn thân và lòng dũng cảm của văn nghệ sĩ. Bằng tâm thế sáng tạo, trách nhiệm và tâm huyết với sự nghiệp chung, trước những biến động của thời đại, các văn nghệ sĩ cần có bản lĩnh vững vàng và sự tỉnh táo để vượt qua những thách thức bên ngoài và vượt lên chính mình, khám phá và phản ánh những chiều kích đa dạng của đời sống xã hội, khẳng định những dòng chảy chủ lưu, tích cực.
Đồng thời khám phá chiều sâu thế giới nội tâm của con người, giải mã các tầng nấc phong phú của cảm xúc, giải quyết xung đột về nhận thức của cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, cái cao thượng và thấp hèn, giữa phụng sự nhân dân bằng tình yêu, trách nhiệm và những toan tính lợi ích cá nhân vị kỷ” - Chủ tịch nước nói.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022 phát biểu.
Báo cáo về công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Thời gian qua, các cơ quan đã cố gắng trong việc đổi mới công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu, mục đích của giải thưởng cao quý này để phù hợp với thực tiễn văn học, nghệ thuật thời kỳ mới. Công tác xét chọn giải thưởng lần này công tâm, khách quan, chặt chẽ; qua đó đảm bảo vinh danh xứng đáng những công trình, tác phẩm văn học nghệ thuật giá trị.
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022 trao tặng 128 tác giả, đồng tác giả, trong đó 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào đợt này.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho 16 tác giả, đồng tác giả.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trao Giải thưởng Hồ Chí Minh tặng 16 tác giả, đồng giả (trong đó có 8 tác giả, đồng tác giả được truy tặng) gồm: nhạc sĩ Vũ Văn Ký (Văn Ký), họa sĩ Nguyễn Văn Chước (Bùi Trang Chước), Hoàng Châu Ký, Nguyễn Xuân Trình, nhà văn Nguyễn Xuân Đức, nhà thơ Hoàng Trung Thông (Đặc Công, Bút Châm), nhà văn Bùi Hiển, NSƯT Phan Thế Dõng (Trần Nhu, Nguyệt Hải), nhiếp ảnh Chu Chí Thành, Võ Nguyên Nhân (Võ An Khánh), NSND Đặng Hùng (Đặng Phải, Bồng Sơn), NSND Vũ Việt Cường, NSND Lê Văn Khình (Lê Khình); PGS.TS, NSND Ứng Duy Thịnh, PGS.TS, NSND Nguyễn Thị Hiển, nhạc sĩ Phan Hồng Đăng (Hồng Đăng).
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho các tác giả.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch đã trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho 112 tác giả, đồng tác giả được trao, truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, trong đó có nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với cụm tác phẩm: truyện ngắn Tướng về hưu, tập truyện ngắn Những ngọn gió Hua Tát.
Với cụm tác phẩm, ca khúc Người đàn bà ngược nắng, Bản hùng ca một thời kiêu hãnh, tổ khúc cho Piano: Nhịp điệu chiêng cồng…, nhà báo, nhạc sĩ Trần Nhật Dương, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nguyên Phó trưởng ban phụ trách Ban Âm nhạc VOV3 - Đài Tiếng nói Việt Nam được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Nhà báo, nhạc sĩ Trần Nhật Dương, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nguyên Phó trưởng ban phụ trách Ban Âm nhạc VOV3 - Đài Tiếng nói Việt Nam nhận giải thưởng Nhà nước với cụm tác phẩm ca khúc "Người đàn bà ngược nắng", "Bản hùng ca một thời kiêu hãnh", tổ khúc cho Piano: "Nhịp điệu chiêng cồng", Sonatine "Khúc suy tưởng".
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật là những phần thưởng cao quý dành cho những tác phẩm đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng; là sự ghi nhận và đánh giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với văn nghệ sĩ, trí thức đã có nhiều cống hiến, vì sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà.