Tối 25/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường thăm chính thức Liên bang Thụy Sỹ theo lời mời của Tổng thống Guy Parmelin.
Tháp tùng Chủ tịch nước và Phu nhân trong chuyến đi có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Tham gia đoàn còn có lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam và lãnh đạo một số tỉnh, thành phố.
Tham gia đoàn còn có Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan; Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva.
Đây là chuyến thăm châu Âu đầu tiên với tư cách là Chủ tịch nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng vào đúng dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021), thể hiện mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó giữa hai đất nước, mở ra cơ hội hợp tác mới giữa hai nước trong tương lai.
Trong chuyến thăm này, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận các biện pháp để thúc đẩy, nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác, đưa quan hệ song phương Việt Nam-Thụy Sỹ đi vào chiều sâu, thực chất trong những năm tới trong tất cả các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, thương mại đầu tư, hợp tác phát triển, văn hoá - giáo dục. Chuyến thăm cũng là dịp để hai nước thúc đẩy ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối EFTA bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, và Liechtenstein. Hiệp định được kỳ vọng mở ra những cơ hội hợp tác to lớn về thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
30 năm qua, Thụy Sỹ đã duy trì viện trợ phát triển và hợp tác kinh tế đối với Việt Nam với tổng tài trợ lên tới 600 triệu USD. Trước đó, tháng 3/2021, Thụy Sỹ đã công bố Chương trình hợp tác phát triển Thụy Sỹ - Việt Nam giai đoạn 2021 – 2024 với số vốn ODA là 70 triệu franc Thụy Sĩ để thúc đẩy phát triển các điều kiện khung về kinh tế theo định hướng thị trường và đáng tin cậy và tăng cường khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường của khu vực tư nhân.
Tháng 8 vừa qua, Thụy Sỹ cũng viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam 500.000 bộ kit xét nghiệm nhanh nCoV, 300.000 khẩu trang kháng khuẩn và 30 máy thở oxy với tổng trị giá khoảng 120 tỷ đồng.
Có thể nói, chuyến thăm chính thức Thụy Sỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tạo ra xung lực chính trị mới để hiện thực hóa tiềm năng to lớn, đưa quan hệ hợp tác song phương lên một tầng nấc mới.