Thế giới đang chuẩn bị cho giai đoạn được dự báo là đầy biến động với nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump. Vị thế của Tổng thống đắc cử thứ 47 trong nền chính trị Mỹ mạnh mẽ hơn bao giờ hết, ông gọi đó là “sứ mệnh chưa từng có và đầy sức mạnh” từ người dân Mỹ.
Ông Donald Trump giành chiến thắng nhanh chóng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024. (Ảnh: Reuters)
Ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, khi giành được 312 phiếu đại cử tri so với 226 phiếu của bà Harris, đồng thời là thành đảng viên Cộng hòa đầu tiên giành chiến thắng số phiếu phổ thông kể từ thời ông George W. Bush năm 2004.
Bên cạnh đó, với việc đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện và Hạ viện, cùng một Tòa án Tối cao có xu hướng bảo thủ, ông Trump trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai có thể có nhiều tự do hơn, ít nhất là cho đến cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2026.
Về nhân sự, trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump được cho là đã bị hạn chế bởi những thành viên Cộng hòa chính thống. Lần này, ông có thể thực hiện các mục tiêu của mình một cách quyết đoán hơn với việc đề cử vào nội các đội ngũ ưu tiên sự trung thành, sau đó mới là các chuyên gia chính sách.
Những năm tới có thể báo hiệu một kỷ nguyên của "chủ nghĩa Trump" được tăng cường. Mặc dù các quan chức của ông có thể đóng vai trò kiềm chế nhất định, nhưng có khả năng ông Trump sẽ hành động với sự ép buộc mạnh mẽ và ít bị ràng buộc hơn với các ưu tiên đã được công bố, cùng với sự khó lường vốn có.
Đông Nam Á là một trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, một nhân tố chính trong thương mại quốc tế, là điểm đến lớn thứ hai thế giới của các khoản đầu tư nước ngoài, cũng như là một trọng tâm trong sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, khu vực này khó có thể là ưu tiên trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Trump.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, việc ông Trump tham dự các hội nghị thượng đỉnh ASEAN và APEC - đặc biệt là các cuộc gặp cấp cao với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore và Việt Nam - dường như được thúc đẩy bởi các hoàn cảnh cụ thể hơn là sự quan tâm tới Đông Nam Á như đã thấy dưới thời ông Obama, hoặc vai trò trọng tâm chiến lược của Đông Nam Á trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung dưới thời ông Biden.
Chính quyền Trump 2.0 sẽ bận tâm với thách thức thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình là nhanh chóng chấm dứt xung đột Nga - Ukraine và chiến tranh Trung Đông.
Các nhà lãnh đạo tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Trong ảnh, Tổng thống Nga Putin đứng bên trái cạnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, bên phải ông Trump là cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: TTXVN)
Với sự thờ ơ cá nhân của ông Trump đối với Đông Nam Á cũng như thái độ hoài nghi của ông với chủ nghĩa đa phương, khu vực này có thể không thấy ông Trump tham dự các hội nghị thượng đỉnh ASEAN và ít có những cuộc gặp trực tiếp với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á trong 4 năm tới.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump chỉ tham dự các cuộc họp thượng đỉnh ASEAN năm 2017, không cử quan chức cấp cao nào trong nội các đến các hội nghị thượng đỉnh tiếp theo vào năm 2019 và 2020, đồng thời không bổ nhiệm đại sứ Mỹ tại ASEAN.
Sự trở lại của ông Trump cũng được dự báo là bước thụt lùi trong vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ đối với các thách thức chung. Dưới thời Tổng thống Biden, việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và đại dịch đã được nâng lên thành một trong hai trụ cột của chiến lược an ninh quốc gia Mỹ, bên cạnh cạnh tranh giữa các cường quốc.
Chính quyền ông Biden khởi xướng nhiều sáng kiến hỗ trợ Đông Nam Á trong các lĩnh vực như tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, phát triển thành phố thông minh, bảo vệ môi trường, y tế công cộng, giáo dục, lãnh đạo trẻ và trao quyền cho phụ nữ.
Với chính quyền Trump 2.0, các sáng kiến này có thể không còn được ưu tiên, xét đến hành động cố gắng cắt giảm viện trợ nước ngoài của Mỹ trong quá khứ và sự hoài nghi của ông đối với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, y tế công cộng và bình đẳng giới.
Điều này có thể dẫn đến việc các quốc gia Đông Nam Á chứng kiến sự sụt giảm trong hỗ trợ phát triển từ Mỹ. Tương lai của các chương trình quan trọng như Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) - một cơ chế tài chính được chính quyền ông Biden hậu thuẫn mạnh mẽ nhằm giúp Việt Nam và Indonesia chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn - hiện trở nên bấp bênh.
Thương mại là lĩnh vực được dự báo chịu ảnh hưởng rõ ràng nhất đối của Đông Nam Á dưới thời Trump 2.0.
Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), với sự tham gia của bảy quốc gia Đông Nam Á, là sáng kiến của Tổng thống Biden nhằm duy trì sự tham gia của Mỹ trong việc thiết lập các quy tắc kinh tế khu vực, mà không cần đưa ra thỏa thuận thương mại tự do truyền thống với quyền tiếp cận thị trường. Ông Donald Trump, người từng gọi IPEF là “TPP phiên bản hai”, có thể loại bỏ nó ngay trong ngày đầu nhậm chức.
Mặc dù tác động của việc hủy bỏ IPEF sẽ ít sâu sắc hơn so với cú sốc khi ông rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017, động thái này có thể tiếp tục làm suy yếu cam kết của Mỹ trong việc duy trì sự gắn kết kinh tế với Đông Nam Á.
Các container xuất-nhập khẩu phía sau Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ông phát biểu về chương trình nghị sự Đầu tư vào nước Mỹ tại cảng Baltimore ở Baltimore, Maryland, ngày 29/10. (Ảnh: Getty Images)
Quan trọng hơn, sự nhiệt tình của ông Trump đối với thuế quan có thể gây ra rắc rối lớn cho Đông Nam Á. Những lời đe dọa áp thuế toàn diện của ông, 10 - 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu và 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, có thể gây ra sự gián đoạn trong thương mại và tăng trưởng toàn cầu, làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống thương mại quốc tế dựa trên quy tắc, vốn là nền tảng cho sự phát triển kinh tế của Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ.
Oxford Economics dự báo các mức thuế mà ông Trump đề xuất có thể dẫn đến sự sụt giảm 3% trong xuất khẩu từ Châu Á (không bao gồm Trung Quốc) sang Mỹ và giảm 8% trong xuất khẩu của Mỹ sang các nền kinh tế Châu Á đó.
Tuy nhiên, trên thực tế các quốc gia Đông Nam Á từng hưởng lợi đáng kể từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung do Trump 1.0 phát động, khi cuộc cạnh tranh thúc đẩy các công ty chuyển chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á để tránh việc ông Trump tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Thương mại giữa Mỹ và Đông Nam Á tăng trưởng ổn định trong suốt thời kỳ Trump 1.0 và sau đó là chính quyền ông Biden, với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, Thái Lan và Malaysia sang Mỹ tăng gần gấp đôi hoặc hơn từ năm 2017 - năm 2023.
Tuy nhiên, những quốc gia này, vốn có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, sẽ đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn dưới thời Trump 2.0. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính quyền ông Trump từng gắn nhãn Malaysia, Việt Nam và Singapore là “quốc gia thao túng tiền tệ”. Dưới thời Tổng thống Biden, các quốc gia này đã được gỡ khỏi danh sách nhưng vẫn nằm trong diện theo dõi.
Cũng dưới thời ông Biden, việc giảm rủi ro trong chuỗi cung ứng toàn cầu do căng thẳng Mỹ - Trung chủ yếu tác động đến ngành công nghiệp bán dẫn và các lĩnh vực xanh như xe điện, tấm pin mặt trời. Điều này khiến các nền kinh tế Đông Nam Á - vốn gắn kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng liên kết Trung Quốc và Mỹ - phần lớn không bị ảnh hưởng ở hầu hết ngành công nghiệp khác.
Tuy nhiên, các mức thuế mới mà ông Trump đề xuất đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (bao gồm các sản phẩm có thành phần lớn từ Trung Quốc) cùng mối đe dọa trả đũa từ Bắc Kinh, sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tách rời nhau. Các nền kinh tế ASEAN, nơi Trung Quốc và Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất, sẽ bị kẹt ở giữa.
Xuất khẩu từ ASEAN sang Mỹ phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm trung gian từ Trung Quốc (chưa kể việc định tuyến và dán nhãn lại hàng hóa Trung Quốc qua Đông Nam Á trước khi sang Mỹ), trong khi xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ cũng sử dụng nguyên liệu thô và sản phẩm trung gian từ ASEAN.
Một sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ cũng sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Đông Nam Á sang Trung Quốc, từ đó ảnh hưởng đến hiệu suất kinh tế toàn khu vực. Tựu chung, mô hình toàn cầu hóa mà Đông Nam Á phụ thuộc lâu nay để tăng trưởng đang đối mặt với một tương lai ngày càng bất định.
Nền kinh tế Đông Nam Á có thể bị kẹt ở giữa Mỹ và Trung Quốc nếu cuộc chiến thuế quan giữa hai bên leo thang. (Ảnh: Reuters)
Theo Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapor, các nước Đông Nam Á đã điều hướng Trump 1.0 khá tốt và hy vọng có thể tiếp túc làm vậy với Trump 2.0. Tuy nhiên, khu vực này cần cảnh giác, bởi Trump 2.0 sẽ tự tin và ít bị kiềm chế hơn nhiều.
ISEAS-Yusof Ishak cho rằng các nhà lãnh đạo Đông Nam Á nên tận dụng chủ nghĩa thực dụng của mình, xây dựng mối quan hệ tốt với ông Trump và tránh các động thái mang tính ý thức hệ hoặc phô trương giá trị, như các đồng minh châu Âu thường làm. Dù không thể chắc chắn những gì diễn ra trong 4 năm tới, nhưng khả năng phục hồi, năng lực thích ứng và cái đầu lạnh sẽ là chìa khóa vượt mọi khó khăn.