Ba Lan có bao nhiêu MiG-29?
Trong tuyên bố ngày 8/3, Bộ Ngoại giao Ba Lan khẳng định sẵn sàng chuyển giao toàn bộ phi đội tiêm kích MiG-29 của nước này cho Mỹ, dựa trên đề xuất của Washington về việc viện trợ chiến đấu cơ cho Ukraine.
“Ba Lan đã sẵn sàng giao các máy bay MiG-29 của mình đến căn cứ không quân Ramstein (Đức), cung cấp cho Mỹ miễn phí và ngay lập tức”, tuyên bố của Ba Lan nhấn mạnh.
Theo Defence 24, Ba Lan hiện là thành viên NATO duy nhất vẫn duy trì số lượng đáng kể các dòng máy bay chiến đấu do Liên Xô chế tạo, chỉ tính riêng tiêm kích MiG-29 đã 23 chiếc và phần lớn đều đang hoạt động.
Không quân Ba Lan hiện đang sở hữu hai phiên bản MiG-29 là MiG-29A và MiG-29UB, được nâng cấp lên chuẩn NATO từ năm 2011 nhằm tương thích với các hoạt động không quân chung giữa các nước đồng minh.
Tiêm kích MiG-29 của không quân Ba Lan. (Ảnh: wojsko-polskie)
Gói nâng cấp MiG-29 của Ba Lan chủ yếu tập trung vào việc hiện đại hóa trang thiết bị hàng không như hệ thống nhận diện địch – ta (IFF), hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống radar, cụm màn hình LCD hiển thị thông số bay trong buồng lái, mũ bay của phi công và hệ thống định vị cho phép chúng có thể di chuyển trong không phận dân dụng giữa các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Nhờ gói nâng cấp này, phi đội MiG-29 của Ba Lan có thêm ít nhất 4.000 giờ bay sau vài thập kỷ phục vụ và chúng đủ khả năng hoạt động đến năm 2029 trước khi nghỉ hưu.
Nhìn chung khả năng chiến đấu của MiG-29 Ba Lan không quá nổi bật nhưng vẫn có thể giúp không quân Ukraine bù đắp một phần nào đó tổn thất lực lượng sau đòn tấn công phủ đầu của Nga. Hiện chưa rõ Warsaw sẵn sàng chuyển giao cho Mỹ bao nhiêu chiếc MiG-29 và cách thức thế nào?
Một vấn đề nữa là những chiếc MiG-29 Ba Lan sau khi nâng cấp lên chuẩn NATO sẽ có chút khác biệt so với phiên bản MiG-29 của Liên Xô, vì vậy phi công Ukraine khó có thể làm chủ được máy bay mới trong thời gian ngắn.
MiG-29 Ba Lan được kỳ vọng sẽ giúp không quân Ukraine vực dậy sau những tổn thất to lớn do các cuộc không kích của Nga. (Ảnh: Airwolfhound)
Các nước NATO bất đồng
Tuyên bố trên của Ba Lan được đưa ra ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết đã thảo luận với Warsaw về kế hoạch viện trợ chiến đấu cơ MiG-29 cho Ukraine. Ông Blinken còn nói rằng Washington đang tích cực xem xét khả năng cung cấp máy bay quân sự cho Ba Lan nếu Warsaw đồng ý phương án điều chiến đấu cơ sang Ukraine.
Cụ thể, Mỹ sẵn sàng “tặng” cho Ba Lan các chiến đấu cơ F-16 hiện đại hơn nếu Warsaw đồng ý chuyển số MiG-29 hiện có cho Ukraine.
Điều kiện của Mỹ quá rõ ràng nhưng Ba Lan lại không muốn làm như vậy và đưa ra một phương án khác, bởi Warsaw hiểu rõ nếu chuyển trực tiếp MiG-29 cho Ukraine thì cũng đồng nghĩa gây chiến với Nga.
Mặt khác việc mất đi cùng lúc 23 chiến đấu cơ cũng sẽ làm suy yếu đáng kể lực lượng không quân của Ba Lan vào thời điểm hiện tại, Warsaw sẽ rơi vào thế bị động nếu không có bước đi phù hợp.
Do đó, Ba Lan đã đề xuất chuyển những chiếc MiG-29 đến Đức sau đó Mỹ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn, kể cả trao số máy bay này cho Ukraine. Warsaw cũng kêu gọi các nước NATO khác nên làm điều tương tự.
Theo hãng tin AP, Lầu Năm Góc ngay sau đó đã từ chối đề xuất của Ba Lan về việc chuyển MiG-29 sang Đức thay vì đến Ukraine như kế hoạch ban đầu và cho rằng kế hoạch này “không phù hợp”.
Phải nói thêm rằng, một máy bay xuất phát từ một căn cứ quân sự của Mỹ hoặc NATO trước khi bay vào không phận của Ukraine cũng sẽ khơi mào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga.
Chuyển MiG-29 cho Mỹ thay vì Ukraine được xem là một phương án an toàn đối với Ba Lan, bởi nước này không muốn bị kéo vào cuộc chiến ở Ukraine. (Ảnh: wojsko-polskie)
Việc Mỹ và các đồng minh NATO tiếp tục “dùng dằng” trong kế hoạch chuyển chiến đấu cơ cho Ukraine một lần nữa cho thấy sự bất đồng của liên minh quân sự này đối với mục tiêu vừa hỗ trợ Ukraine, vừa tránh bị kéo vào xung đột trực tiếp với Nga.
Khi được hỏi về đề xuất của Ba Lan, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn với Ba Lan và các đồng minh NATO khác về vấn đề này. Tuy nhiên, chúng tôi không cho rằng đề xuất của Ba Lan là phương án phù hợp".
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cũng mô tả thông báo của Ba Lan là "động thái bất ngờ". Việc này không được tham vấn trước với phía Mỹ, bà Nuland nói.
Bằng cách giao các máy bay cho Mỹ, Ba Lan hy vọng sẽ giảm thiểu nguy cơ bị Nga trả đũa trực tiếp, tờ Guardian bình luận. Theo tờ báo Anh, lập luận của Ba Lan là khi các máy bay được giao cho các phi công Ukraine, họ sẽ cất cánh từ một căn cứ không quân ở Đức như tài sản của Mỹ.
Về phía Bộ Quốc phòng Nga dù không đề cập trực tiếp nhưng cũng từng cảnh báo rằng bất kỳ quốc gia nào cung cấp căn cứ quân sự hay sân bay cho các máy bay chiến đấu của Ukraine được sử dụng để tấn công Nga sẽ bị coi là có liên quan đến cuộc xung đột.