Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chiến lược mới của Nga nhằm gây khó khăn cho Ukraine

(VTC News) -

Chiến lược mới của Nga nhằm phá hủy các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine đang khiến quân đội nước này gặp “khó khăn trăm bề” từ hậu phương đến tiền tuyến.

Ngày 23/11, Nga phóng 70 quả tên lửa vào các mục tiêu cơ sở hạ tầng ở Ukraine, khiến cho 80% khu vực ở nước này chìm vào bóng tối vì nguồn điện không ổn định và không có nước.

Ukraine “khó khăn trăm bề” trước đòn không kích dồn dập của Nga

Các đoàn xe tăng và xe quân sự Nga ở Kherson ngày 18/11/2022. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu tại văn phòng tổng thống, ông Zelensky cho rằng cuộc không kích của Nga tuần này là điều không thể tưởng tượng được trong thế giới hiện đại.

"Đây là sự việc chưa từng xảy ra trong nhiều năm, có lẽ là 80, 90 năm khi mà một quốc gia ở châu Âu hoàn toàn không có điện để chiếu sáng".

Dù vậy, sáng 24/11, các lò phản ứng hạt nhân đã được kết nối lại và nước đã được cung cấp cho một số quận ở thủ đô Kiev.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết chiến lược mới của Nga nhằm phá hủy các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine cũng như đẩy nước này chìm vào bóng tối sẽ không làm suy yếu quyết tâm giải phóng các vùng lãnh thổ "bị chiếm đóng" của Ukraine.

Bác bỏ những mối lo ngại của phương Tây về nguy cơ leo thang căng thẳng, Tổng thống Ukraine khẳng định sẽ không có giải pháp lâu dài nào cho cuộc xung đột hiện nay trừ khi Nga rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà nước này kiểm soát.

Moskva đã tăng cường chiến dịch ném bom nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine vào tháng trước với hy vọng sẽ buộc Kiev phải nhượng bộ.

"Chúng tôi phải giành lại tất cả các vùng lãnh thổ bởi tôi tin rằng chiến đấu là cách giải quyết mọi việc khi không còn chỗ cho ngoại giao. Nếu chúng tôi không thể giành lại toàn bộ lãnh thổ, cuộc xung đột này sẽ đóng băng. Việc nối lại chiến dịch nằm ở vấn đề thời gian", ông Zelensky cho hay.

Thậm chí trước khi các cuộc tấn công ngày 23/11 diễn ra, một nửa hệ thống điện của Ukraine đã không thể sử dụng do các cuộc không kích dồn dập của Nga. Ukraine cũng đang cạn kiệt các thiết bị thay thế cho mạng lưới điện thời Liên Xô sau các cuộc tấn công tên lửa dồn dập của Nga. Nước này đang tìm kiếm các thiết bị dự phòng từ Ba Lan và Litva cũng như tăng cường sản xuất trong nước nhưng sẽ phải mất từ 4 - 8 tháng để tập hợp đủ các thiết bị mới.

Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov cho biết nước này cần hàng trăm triệu USD hỗ trợ để sửa chữa khẩn cấp mạng lưới điện.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng kêu gọi các đối tác phương Tây cung cấp nhiều thiết bị phòng không hơn cho nước này để hỗ trợ bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng. Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng các cuộc tấn công trên của Nga cho thấy nước này không có ý định đàm phán để chấm dứt xung đột.

Tuy nhiên, trước đó, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya cho rằng Nga đang nhắm đến các cơ sở hạ tầng của Ukraine nhằm phản ứng trước việc Kiev được phương Tây bơm vũ khí cũng như kêu gọi đánh bại Nga. Theo ông, chính Ukraine mới là bên không có thiện chí đàm phán.

"Cho tới nay, những điều chúng tôi nghe từ Tổng thống Zelensky và các quan chức Ukraine không thể được hiểu là thái độ sẵn sàng đàm phán hòa bình mà là những tuyên bố đe dọa bất cẩn và các tối hậu thư".

Ngày 4/10, Tổng thống Zelensky đã thông qua nghị quyết của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine về việc sẽ không đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngày 31/10, Tổng thống Nga khẳng định ông không nhận thấy bất kỳ khả năng đàm phán nào với Ukraine khi mà Kiev không thể hiện thái độ sẵn sàng.

Bước đi tiếp theo của Ukraine

Giữa bối cảnh quân đội Ukraine tăng cường các cuộc tiến công ở phía nam và phía đông, mục tiêu quân sự của nước này ngày càng được củng cố: Đó là tìm cách giành lại các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát từ tháng 2/2022 và giành lại bán đảo Crimea. Một số nước phương Tây lo ngại bất kỳ nỗ lực nào của Ukraine nhằm giành lại Crimea, vốn được Moskva coi trọng về mặt an ninh, đều có thể dẫn đến xung đột leo thang và thậm chí nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Zelensky thừa nhận, vận mệnh của Crimea đang được đặt trên bàn nghị sự quốc tế.

"Tôi hiểu mọi người đều bối rối về tình hình hiện tại và những điều sẽ xảy ra với Crimea. Nếu ai đó sẵn sàng cho chúng tôi một giải pháp để giành lại Crimea bằng các phương tiện phi quân sự, tôi sẽ ủng hộ. Nhưng nếu giải pháp đó không liên quan đến việc giành lại Crimea và vùng lãnh thổ này vẫn là một phần của Nga thì không cần phải lãng phí thời gian vào việc này", ông Zelensky cho hay.

Theo Thiếu tướng Vadym Skibitskyi, Phó lãnh đạo cơ quan tình báo Ukraine, khoảng 30.000 binh lính Nga đã rút quân khỏi bờ Tây của sông Dnipro đầu tháng này và đang đào hào xung quanh Zaporizhzhia và Kherson.

"Nga đang chờ cuộc tấn công của chúng tôi. Đó là lý do tại sao họ xây dựng tuyến phòng thủ ở Kherson cùng một tuyến phòng thủ khác ở ranh giới hành chính giữa Kherson và Crimea cũng như ở khu vực phía Bắc Crimea".

Ông Skibitskiy nói: "Theo hướng Kryvyi Rih và Kherson, đối phương đang xây dựng hệ thống phòng thủ, cải thiện các thiết bị công sự và hỗ trợ hậu cần cũng như không ngừng nã pháo vào các vị trí của chúng tôi ở hữu ngạn sông Dnipro".

Ông Skibitskiy cũng nhận định, thời điểm cho cuộc phản công ở Crimea chủ yếu phụ thuộc vào "các vũ khí mà đạn dược" Ukraine sẽ nhận được từ phương Tây.

Theo ông Phillips O’Brien, giảng viên Đại học St Andrews: "Nếu Ukraine tiếp tục chiến đấu với chiến lược tập trung vào hậu cần và tổ chức chặt chẽ như hiện nay, động thái tiếp theo của họ có lẽ là mở rộng việc sử dụng vũ khí để chia tách hoàn toàn các lực lượng của Nga và đẩy họ vào những khu vực không được hỗ trợ". Theo đó, Ukraine sẽ chia cắt lực lượng Nga ở Kherson và Crimea với các lực lượng ở Donetsk và Lugansk.

Dù vậy, một quan chức ở nước Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng - ông Andrey Marochko cho biết, tình trạng cắt điện trên khắp Ukraine đang gây ra những vấn đề nghiêm trọng về nguồn cung cho các lực lượng của Kiev. Theo ông, các cuộc tiến công của Ukraine đã bị chậm lại do sự trì hoãn và kéo dài trong việc tiếp nhiên liệu cho các phương tiện. Sự điều phối giữa các bên cũng bị gián đoạn do thiếu sự liên lạc.

Phản hồi trước dự báo của phương Tây rằng Nga sắp cạn kiệt vũ khí, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, trái với kỳ vọng của "các đối thủ", Moskva có đủ vũ khí "cho tất cả" binh lính để tiếp tục các cuộc tấn công ở Ukraine.

Kiều Anh (VOV.VN )

Tin mới