Dưới đây là chia sẻ của huấn luyện viên cá nhân Đình Trường (sinh năm 1989, Hà Nội) về hành trình thay đổi ngoại hình:
Cách đây 6 năm, tôi là một chàng trai gầy gò, ốm yếu, chỉ nặng hơn 50 kg. Tôi luôn cảm thấy thiếu sức sống và mất tự tin trước mọi người, đặc biệt với bạn gái. Biết được điều đó, bạn gái đã động viên tôi tập gym để cải thiện sức khỏe và vóc dáng.
Sau hơn một năm, tôi đã tăng 15 kg. Từ những thành công ban đầu, tôi yêu thích bộ môn này và bắt đầu nghiên cứu nhiều hơn về chúng bằng các khóa học chuyên sâu để trở thành huấn luyện viên thể hình.
Vóc dáng gầy gò của Đình Trường trước khi tập gym.
Một ngày tôi phải làm việc 6h-22h, thời gian dành cho tập luyện chỉ tranh thủ vào giờ nghỉ trưa. Mỗi buổi tập thường kéo dài khoảng 60 phút. Theo tôi, để tập luyện tốt cần nắm chắc kỹ thuật các bài tập như squat, deadlift, benchpress,... Tạo nhật ký tập luyện cho bản thân và ghi lại kết quả từng ngày.
Nhờ kiên trì luyện tập cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tôi từ một chàng "cò hương" nay trở nên vạm vỡ, khỏe mạnh, cân nặng tăng 30 kg so với trước đây (54 kg lên 84 kg).
Sau thời gian dài tập luyện, tôi rút ra được một số kinh nghiệm:
Hãy tìm một HLV hoặc người giàu kinh nghiệm trong tập luyện: Nếu điều kiện tài chính của bạn tốt, hãy tìm một HLV cá nhân. Họ sẽ định hướng và giúp đỡ bạn tập luyện tốt nhất, an toàn và rút ngắn thời gian để đạt được hiệu quả. Nếu không có đủ khả năng tài chính, bạn có thể học hỏi từ một người có kinh nghiệm tập luyện và nhờ họ giúp đỡ.
Vóc dáng săn chắc của HLV 8X sau nhiều năm tập luyện.
Đừng đặt quá nhiều câu hỏi về việc mỗi tuần phải tập bao lâu hay bao nhiêu buổi tập mới hiệu quả: Không có một câu trả lời chính xác nào cho câu hỏi của bạn. Nó phụ thuộc vào kỷ luật, sự cố gắng và thể trạng của mỗi người. Bạn hãy dành 30-60 phút mỗi ngày để đến phòng tập thay vì dùng mạng xã hội, "chém gió" với bạn bè, thức khuya, ngủ nướng,... Khi đó, ta sẽ có đủ thời gian để đến phòng tập.
Không có phòng tập ở gần, bạn cũng có thể tự rèn luyện ngay tại nhà: Hãy mua một vài quả tạ đơn, thiết bị đơn giản và tìm một kênh hữu ích để được hướng dẫn tập luyện. Trường hợp bạn không dám tập vì sợ chấn thương, hoàn toàn có thể bắt đầu với bất cứ môn thể thao nào khiến bạn cảm thấy thoải mái và thích thú như đi bộ, chạy, bơi lội, đạp xe,...
Chú ý đến chế độ dinh dưỡng: Nếu bạn đang gặp phải vấn đề về mỡ thừa, có thể do nạp quá nhiều năng lượng vào cơ thể, kèm theo lười vận động. Bạn chỉ cần giảm lượng calo nạp vào và kết hợp với tập luyện sẽ giúp giảm mỡ hiệu quả.
Với vóc dáng gầy gò có thể do nạp quá ít năng lượng, bộ máy tiêu hóa có vấn đề. Bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra sau đó xây dựng chế độ ăn uống với lượng calo nạp vào cao hơn cùng tập luyện để tăng cường trao đổi chất. Hãy ghi chép việc ăn uống hàng ngày dưới dạng nhật ký để theo dõi theo tuần. Sau mỗi tuần cơ thể bạn chưa thay đổi nghĩa là chưa kiểm soát tốt lượng calo nạp vào.
Giữ cho tinh thần thoải mái, tránh stress: Tập luyện luôn đi kèm với chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Chúng ta không nên để cơ thể bị stress, ức chế từ những việc không đáng có. Ăn uống sinh hoạt điều độ, ngủ đủ và đúng giờ giúp bạn có tinh thần sức khỏe tốt cho buổi tập ngày hôm sau. Ngủ sớm và đủ giấc là yếu tố quan trọng để cơ bắp có thời gian phục hồi và phát triển.
Nhờ sự động viên của bạn gái, hiện nay là vợ, sau 6 năm đến với gym tôi đã có cuộc sống tốt hơn từ việc có cơ thể đẹp, hấp dẫn.
>>> Đọc thêm: Sự thật tập gym cao thêm 14 cm một năm