Hà Quảng là một huyện biên giới còn gặp nhiều khó khăn của tỉnh Cao Bằng, được sáp nhập từ hai huyện nghèo trước đây là Hà Quảng và Thông Nông, theo Nghị quyết của Quốc hội từ năm 2020. Địa bàn huyện Hà Quảng gồm có 21 xã, thị trấn và 195 xóm, với tuyệt đại đa số là đồng bào dân tộc thiểu số và một bộ phận lớn các cộng đồng này sinh sống trong các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của huyện.
Nằm ở vùng núi cao, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, đời sống của bà con ở xã Thượng Thôn nói riêng, huyện Hà Quảng nói chung còn gặp nhiều khó khăn.
Trong năm 2021, chỉ tính riêng tại xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, xã đã hoàn thành xây mới 25 nhà, sửa chữa 4 nhà, 7 nhà lắp ghép với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng.
Năm 2022, có 41 hộ thuộc diện hỗ trợ, trong đó 19 nhà làm mới, 22 nhà sửa chữa. Năm 2023, hoàn thành xây mới 6 nhà, sửa chữa 12 nhà, xã hội hóa 2 nhà, với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng. Năm 2024, xã Thượng Thôn được phân bổ chỉ tiêu hỗ trợ 110 hộ, trong đó 50 hộ xây mới, 60 hộ sửa chữa nhà ở.
Hiện nay, số hộ nghèo trên địa bàn xã chiếm tỷ lệ cao, toàn xã vẫn còn 455 hộ nghèo, 86 hộ cận nghèo; bởi vậy việc thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn là mong mỏi của chính quyền cũng như người dân nơi đây.
Ngôi nhà trước đây của gia đình anh Lý Văn Nó với 3 thế hệ sống chật chội trong 40m2, nền đất, tường dựng bằng mấy tấm ván cũ nát và cọc tre tạm bợ, mưa gió là dột khắp nhà.
Tại ngôi nhà mới khang trang của gia đình anh Lý Văn Nó ở xóm Sỹ Điêng, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) với diện tích khoảng 100m2, nền bê tông, cột gỗ, mái tôn thoáng đãng, rộng rãi, cả gia đình nhà anh Nó hiện có 10 nhân khẩu, gồm bố mẹ, hai vợ chồng anh Nó và 6 đứa con đang sinh sống tại đây.
Cũng như nhiều hộ nghèo khác trong xã, già đình anh Lý Văn Nó đã được chính quyền địa phương hỗ trợ cấp trâu, bò giúp gia đình có thêm sinh kế, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Trước đây gia đình anh Nó với 3 thế hệ sống trong ngôi nhà chật chội chừng 40m2, nền đất, tường dựng bằng mấy tấm ván cũ nát và cọc tre tạm bợ, mưa gió là dột khắp nhà. Nay, được chính quyền địa phương kịp thời có chính sách hỗ trợ xây nhà mới, gia đình đã có điều kiện để ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế.
Cách nhà anh Nó không xa, gia đình anh Sùng Văn Đình và chị Ma Thị Soái là một trong 38 hộ dân trên địa bàn xã Thượng Thôn năm 2022 nhận hỗ trợ theo Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo.
Nhà mới của gia đình anh Sùng Văn Đình rộng rãi, khang trang hơn nên việc bố trí chỗ ăn ở, sinh hoạt cho các thành viên trong gia đình cũng thoải mái hơn, không còn cảnh chen chúc, ngột ngạt như hồi sống ở nhà cũ. Ngôi nhà mới vững chắc đã thực sự mang đến sự thay đổi lớn lao đối với cả gia đình anh.
Gia đình anh Sùng Văn Đình động viên, bảo ban nhau nuôi thêm lợn gà, trồng ngô, lạc, gừng... nên cuộc sống từng bước được cải thiện và có thêm thu nhập.
Bên cạnh việc hỗ trợ xây nhà mới cho các hộ nghèo, gia đình khó khăn, chính quyền địa phương còn hết sức quan tâm đến việc tạo sinh kế, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo bền vững. Như gia đình anh Lý Văn Nó đã được chính quyền địa phương hỗ trợ cấp trâu, bò.
Hiện vợ chồng anh Nó đang chăm 4 con trâu, 1 con trâu sắp sinh và 1 con nghé. Vợ chồng anh cũng động viên, bảo ban nhau nuôi thêm lợn gà, trồng ngô, lạc, gừng... Nhờ đó cuộc sống từng bước được cải thiện, có cái ăn, cái mặc, bước đầu đã có thêm thu nhập.
Khuôn mặt rạng rỡ của các thành viên gia đình anh Lý Văn Nó khi có nhà mới vững chắc hơn, cuộc sống gia đình anh ngày càng ổn định.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Xuân Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng cho biết: Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Hà Quảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Ông Phạm Xuân Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Năm 2020, với 35 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Bộ Công an, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ 826 hộ nghèo trên địa bàn huyện Hà Quảng có nhà vững chãi, an toàn hơn. Từ điểm sáng này, Cao Bằng nhân rộng và xây dựng Đề án hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trên toàn tỉnh.
Năm 2024, với chỉ tiêu được giao là xóa 1134 ngôi nhà tạm, nhà dột nát với tiêu chí 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), trong 3 tháng đầu năm 2024, huyện đã thực hiện xong việc xây mới và sửa chữa 399 ngôi nhà, số còn lại đang tiếp tục thực hiện trên tinh thần kịp thời, hiệu quả, đúng địa chỉ.
Trong những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước và tỉnh Cao Bằng, huyện đã xây dựng hệ thống hồ vải địa kỹ thuật chứa nước mưa và các hệ thống kênh dẫn, giúp bà con vùng cao có đủ nước sinh hoạt và phục vụ một phần sản xuất.
Huyện cũng chú trọng hỗ trợ người dân vốn sản xuất, các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, sản xuất gắn với cộng đồng...
"Các hoạt động này đã tạo sinh kế và thu nhập cho người dân, giúp đời sống của người dân được nâng lên. Hà Quảng phấn đấu hết năm 2025 cơ bản trở thành huyện thoát nghèo", ông Phạm Xuân Tùng chia sẻ.
"Từ năm 2021 đến nay huyện Hà Quảng đã xóa được 1.526 nhà tạm, nhà dột nát, giải ngân được gần 68 tỷ đồng. Từ nay đến hết năm 2024, huyện dự kiến hỗ trợ 1.003 hộ và giải ngân trên 45 tỷ đồng; đến hết năm 2025 những hộ gia đình có nhà tạm, nhà chưa an toàn sẽ được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách đầu tư phát triển kinh tế xã hội, huyện Hà Quảng đạt được nhiều kết quả tích cực cho các vùng dân tộc thiểu số như: 100% các xã của huyện Hà Quảng có đường ô tô đến trung tâm xóm; 97% cụm xóm có điện lưới quốc gia, gần 100% trung tâm xóm được tiếp cận sóng truyền thông”, ông Phạm Xuân Tùng nói.