Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự gia tăng dân số đã tạo áp lực lớn đến môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt, công nghiệp thải ra ngày càng nhiều. Trong khi đó, việc kiểm soát, xử lý các loại rác thải còn nhiều hạn chế, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe của con người.
Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đang đối mặt với số lượng rác thải hằng ngày quá lớn, trong khi công nghệ xử lý rác chưa đáp ứng yêu cầu.
Thực tế cho thấy, công nghệ xử lý các loại rác thải nhìn chung còn lạc hậu, thiếu đồng bộ; thiếu cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới từ khâu thu gom, vận chuyển đến xử lý các loại rác thải khiến chính quyền các địa phương, doanh nghiệp lúng túng.
Rác thải bủa vây đời sống người dân ở Bắc Ninh (bãi rác sinh hoạt ở xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, Bắc Ninh).
Ngoài ra, việc xử lý rác thải cơ bản vẫn dựa vào việc chôn lấp, ủ phân và đốt. Chôn lấp gây ô nhiễm lần hai; quá trình ủ phân vi sinh chỉ có khoảng 50% chất hữu cơ trong rác phân hủy thành phân, 50% còn lại không thể xử lý được; trong khi lò đốt rác có thể xử lý hoàn toàn nhưng lại gây ô nhiễm lần hai và tiêu tốn năng lượng, tác động xã hội, chi phí tài chính và các vấn đề khác.
Để giải quyết vấn đề “rác thải bao vây thành thị” mà chúng ta đang gặp phải ở các mức độ khác nhau, nước ta đã thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và dựa vào các công ty nước ngoài có công nghệ tiên tiến và năng lực để thực hiện dự án đốt rác thải phát năng lượng, đó là điều cần thiết.
Trong số đó, Nhà máy điện rác Sóc Sơn Hà Nội, dự án xử lý rác thải thành năng lượng lớn nhất Việt Nam, chính thức đưa vào vận hành lưới điện vào tháng 3 năm 2022.
Nhà máy không chỉ xử lý khoảng 70% rác thải sinh hoạt cho Hà Nội mà còn góp phần tăng thêm nguồn cung cấp điện cho thành phố và góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường sinh thái của Hà Nội.
Các nhà máy xử lý rác thải với công nghệ cũ vẫn gây ô nhiễm môi trường.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải, hiện mỗi ngày Bắc Ninh phát sinh khoảng 1.100 tấn rác thải sinh hoạt (chưa kể hàng nghìn tấn rác thải công nghiệp), số lượng này tăng khoảng 7-10% một năm.
Tỉnh đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng trên, Bắc Ninh xây dựng và ban hành Đề án tổng thể bảo vệ môi trường, giai đoạn 2019-2025, trong đó xử lý toàn diện, tổng thể các vấn đề về môi trường: nước thải, khí thải và rác thải.
Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh có chính sách và thu hút được 4 công ty nước ngoài đầu tư xây dựng nhà máy điện rác tại huyện Lương Tài, thị xã Quế Võ và thị xã Thuận Thành.
Các nhà máy này có công suất xử lý rác thải sinh hoạt hàng năm trên 100.000 tấn, áp dụng công nghệ tiên tiến không chỉ giúp giảm bớt tình trạng thiếu điện tại địa phương một cách hiệu quả mà còn cải thiện đáng kể về môi trường đô thị và kích thích việc làm xung quanh.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này do lợi nhuận thấp, rủi ro cao, trong khi đó các quy định cụ thể trong chính sách chưa đủ hấp dẫn đầu tư tư nhân và chưa đồng bộ, đầy đủ.
Bên cạnh đó, tính hấp dẫn của các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị chưa cao do thường đòi hỏi vốn lớn, thời gian thực hiện dài, thu hồi vốn khó khăn, tính toán thu hồi phức tạp; các yếu tố cơ bản cho các hoạt động thị trường như cung/người bán, cầu/người mua, hàng hóa/dịch vụ, giá cả, quy định pháp lý, các dịch vụ hỗ trợ thị trường… còn rất hạn chế, chưa thật sự rõ ràng.
Ngoài ra, khó khăn hiện nay là các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sau xử lý đối với các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã có; tuy nhiên, việc hướng dẫn triển khai còn thiếu và chưa cụ thể, kịp thời nên khó thực thi trong thực tiễn, số dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt được vay vốn từ các nguồn vốn ưu đãi là rất ít.
Để khuyến khích, hấp dẫn các nhà đầu tư vào công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường cần có chính sách, cần có cơ chế cho các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI để phát triển loại hình này.
Đồng thời, chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng cần thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi; tuyên truyền về sự nguy hiểm của rác thải đối với sức khỏe con người; có chế tài xử phạt nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường có nguyên nhân từ rác thải.
Mặt khác, chú ý khâu phân loại rác thải tại nguồn, từ hộ gia đình và tại cơ sở chủ nguồn rác thải; xác định vị trí phân loại tại khu vực không gây ô nhiễm môi trường; đặt trạm trung chuyển, tập kết rác tại nơi phù hợp, bảo đảm giảm mùi hôi và khoảng cách vệ sinh.
Đặc biệt, ứng dụng và phát triển công nghệ, đặc biệt khuyến khích và ưu tiên thúc đẩy chuyển giao công nghệ xử lý môi trường mới, công nghệ tái chế, năng lượng tái tạo, phù hợp cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại các đô thị, hướng tới công nghệ xanh, sạch nhằm góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.