Theo Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, đợt viện sự quân sự mới nhất của nước này dành cho Ukraine bao gồm đầu đạn uranium nghèo để sử dụng cho xe tăng M1 Abrams. Động thái này của Nhà Trắng gây tranh cãi và chỉ trích rộng rãi trong cộng đồng quốc tế.
Nghiên cứu cho thấy uranium nghèo có tính phóng xạ và việc tiếp xúc lâu dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường. Trước đây, Mỹ đã thả bom uranium nghèo ở Nam Tư cũ, Iraq và những nơi khác, khiến số người mắc các khối u và loại bệnh khác ở những nơi này tăng mạnh.
"Từ lâu, các hoạt động quân sự của Mỹ trên khắp thế giới không chỉ trực tiếp gây ra những thảm họa nhân đạo to lớn mà còn gây thiệt hại lâu dài cho môi trường địa phương khi để lại một lượng lớn chất độc hại, có hại", Thời báo Hoàn Cầu bình luận.
Một căn cứ không quân Mỹ ở Afghanistan. (Ảnh: AFP)
"Những nơi có môi trường tồi tệ nhất"
Theo báo cáo mới đây trên trang Scientific American, các hố đốt rác lộ thiên do quân đội Mỹ dựng lên gần các căn cứ ở nhiều nơi trên thế giới đã trở thành nguồn gây ô nhiễm, ảnh hưởng môi trường địa phương. Đặc biệt ở những nơi như Afghanistan, các chất độc hại do các hố đốt rác này tạo ra đã làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và các bệnh khác cho người dân địa phương cùng nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường.
Báo cáo năm 2014 của Tổng Thanh tra Đặc biệt Mỹ về Tái thiết Afghanistan cho thấy, những hố đốt này được sử dụng để đốt mọi thứ từ rác thải thực phẩm đến sơn, kim loại, nhựa, vật tư y tế và đôi khi là vật tư quân sự như đạn dược.
Các vụ đốt tạo ra khói độc "chứa các hạt vật chất, chì, thủy ngân, dioxin và khí kích thích". Những khói độc hại này có thể gây ra thiệt hại cho cả môi trường và cơ thể con người. Khi con người hít phải những chất ô nhiễm này, chúng có thể có tác động tiêu cực đến hệ thống cơ thể con người và dẫn đến các bệnh như hen suyễn.
Lực lượng Không quân Mỹ từng mô tả trong một bản ghi chép cảnh một hố đốt rác tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq: "Đây có thể được xem là nơi có môi trường tồi tệ nhất trên Trái đất. Những hố đốt này cháy cả ngày lẫn đêm, suốt cả tuần và hầu hết chất thải đốt trong hố đều độc hại".
Chỉ riêng tại căn cứ chung Balad ở Iraq, hơn 200 tấn rác được đốt trong các hố đốt mỗi ngày. Một người lính mô tả khói từ hố đốt "dày như sương mù ở San Francisco".
Một bài báo của Đại học California chỉ ra rằng, những hố đốt chất thải trên là "di sản độc hại của chiến tranh", việc lấy mẫu môi trường không khí và đất gần đó đã xác nhận sự tồn tại của một số hợp chất có hại gây viêm và tổn thương mô cơ thể.
Hiệp hội Y tế Công cộng Mỹ cũng cho biết trong một tuyên bố: "Công dân Afghanistan không giống như quân đội Mỹ, những người có thể rời đi. Họ có thể phải tiếp xúc hằng ngày với các chất ô nhiễm từ những hố đốt và phải gánh chịu hậu quả môi trường của chiến tranh".
Khói đen dày đặc từ đám cháy gần một căn cứ Mỹ ở Iraq. (Ảnh: AP)
Thông tin ít được công bố
Các vụ bê bối về ô nhiễm môi trường cũng thường xuyên bị phơi bày tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và những nơi khác.
Trang Stars and Stripes của Mỹ gần đây đã báo cáo nồng độ cao các hợp chất độc hại, hợp chất Per- và polyfluoroalkyl (PFAS), đã được tìm thấy trong nước ngầm gần một nhà kho quân sự của nước này ở Nhật Bản. Nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng việc tiếp xúc với nồng độ PFAS cao có thể dẫn đến ung thư, bệnh tuyến giáp, tổn thương gan và các bệnh nghiêm trọng khác.
Theo báo cáo, nhiều căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài sử dụng bọt chữa cháy có chứa PFAS để dập lửa máy bay hoặc các vụ tai nạn khác. Chất này có thể thông qua nước, đất, không khí,... xâm nhập vào cơ thể con người và chuỗi thức ăn, gây hại cho sức khỏe con người.
Một cuộc khảo sát do Harada Koji, phó giáo sư sức khỏe môi trường tại Đại học Kyoto (Nhật Bản) thực hiện, cho thấy nồng độ PFAS trong hai căn hộ gần kho tiếp tế quân sự Sagami của quân đội Mỹ đã vượt quá tiêu chuẩn.
Kết quả khảo sát do một nhóm công dân ở tỉnh Okinawa công bố vào tháng 2/2023 cho thấy trong số 387 cư dân sống quanh căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa tham gia xét nghiệm máu, 155 người có PFAS quá mức trong máu, chiếm khoảng 40%.
Theo thoả thuận giữa 2 nước, Nhật Bản không thể vào căn cứ quân sự Mỹ để điều tra nội bộ nếu không có sự cho phép của quân đội Mỹ. Điều này gây khó khăn cho Nhật Bản trong việc xác định vấn đề ô nhiễm môi trường tại căn cứ quân sự Mỹ.
Quân đội Mỹ thường phản ứng bằng cách "im lặng", "không giải thích" hay "không thừa nhận".
Một báo cáo nội bộ của Thủy quân Lục chiến Mỹ tiết lộ, từ năm 2002 - 2016, ít nhất 270 sự cố ô nhiễm môi trường đã xảy ra tại 3 căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa, và chỉ có 6 sự cố được báo cáo cho chính phủ Nhật Bản.
Những sự cố đã gây ô nhiễm đất đai và đường thủy ở địa phương nhưng hầu như không có vụ tai nạn nào được công bố rộng rãi.
Trong cuốn sách “Đầu độc Thái Bình Dương: Bí mật thải Plutonium, vũ khí hóa học và chất độc da cam của quân đội Mỹ”, nhà báo người Anh Jon Mitchell chỉ ra rằng “quân đội Mỹ chưa bao giờ công bố thông tin cho công chúng về tình trạng ô nhiễm ở căn cứ. Một số nguồn nước ở Okinawa bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi PFAS, người dân Okinawa rất tức giận và sợ hãi”.
Vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đã bộc lộ tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc. Theo thỏa thuận mà Hàn Quốc và Mỹ đạt được vào năm 2020, quân đội Mỹ chuyển đến căn cứ Pyeongtaek và trả lại căn cứ Yongsan ở Seoul cho Hàn Quốc. Căn cứ Yongsan sau đó được chuyển đổi thành công viên quốc gia.
Theo Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Hàn Quốc (KBS), Bộ Môi trường nước này đã phát hiện một lượng lớn chất gây ô nhiễm như dầu và kim loại nặng tại khu vực dự kiến trở về căn cứ quân sự Yongsan của Mỹ. Trong đó, hàm lượng natri clorua trong đất cao gấp 34,8 lần so với tiêu chuẩn và arsenic (còn gọi là thạch tín) cao gấp 39,9 lần.
Tháng 5/2023, khu vui chơi trẻ em Yongsan được cải tạo từ một phần của căn cứ Yongsan đã chính thức mở cửa đón khách. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lo ngại về việc khu vui chơi được xây dựng trên nền đất "có độc".
Một phụ huynh chia sẻ với tờ Nhật báo Hankyoreh: “Liệu có ai muốn con em chơi trên mảnh đất bị ô nhiễm không?”
Quân đội Mỹ bị cho là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất thế nhất? (Ảnh: Getty Images)
Nhiều vấn đề phát sinh gây nguy hiểm
Dữ liệu do tổ chức tư vấn Mỹ Quincy Institute for Efficiency Statecraft công bố cho thấy, Mỹ có 750 căn cứ quân sự ở 80 quốc gia và khu vực ở nước ngoài, gần gấp 3 lần số lượng đại sứ quán, lãnh sự quán và cơ quan đại diện của Mỹ ở nước ngoài. Chi phí hoạt động mỗi năm lên tới 55 tỷ USD.
Theo Al Jazeera, trong số các căn cứ ở nước ngoài có khoảng 400 căn cứ lớn với hơn 200 quân nhân đóng quân.
Hãng tin Middle East Eye của Anh cho biết, với việc các căn cứ quân sự của Mỹ trải rộng trên toàn cầu, quân đội Mỹ tiêu thụ nhiều năng lượng hơn bất kỳ tổ chức nào trên thế giới và tạo ra khí nhà kính hơn nhiều quốc gia.
Dữ liệu được công bố vào năm 2019 bởi Viện Quan hệ Công và Quốc tế Watson của Đại học Brown (Mỹ) chỉ ra rằng, kể từ khi Mỹ phát động "cuộc chiến chống khủng bố" vào năm 2001, quân đội nước này đã thải ra 1,2 tỷ tấn khí nhà kính, "là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới".
Tờ The Intercept của Mỹ cho rằng "dấu chân quân sự" của Mỹ đã gây ra thiệt hại trực tiếp cho môi trường Afghanistan. Quân đội Mỹ đang thải chất ô nhiễm độc hại vào không khí, khiến dân thường Afghanistan bị bệnh. Thiệt hại về môi trường do quân đội Mỹ gây ra ở Iraq thậm chí còn nghiêm trọng hơn, cuộc chiến không chỉ dẫn đến lượng khí thải CO2 tăng vọt mà việc quân đội nước này sử dụng đạn uranium nghèo đã dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở người dân địa phương và dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở trẻ em.
Trong cuốn sách “Căn cứ quân sự ở nước ngoài của Mỹ: Họ gây nguy hiểm cho thế giới như thế nào”, nhà văn David Vine viết: "Mỹ có số lượng căn cứ quân sự ở nước ngoài lớn nhất thế giới và vẫn đang mở rộng dưới nhiều hình thức khác nhau. Các căn cứ ở nước ngoài của quân đội Mỹ đã làm gia tăng căng thẳng địa chính trị, đồng thời làm nảy sinh nhiều vấn đề như tội phạm bạo lực, ô nhiễm môi trường và tàn phá kinh tế, gây tổn hại cho thế giới ngoài sức tưởng tượng".