Trong một tuyên bố ngày 25/9 (giờ địa phương), Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ba Lan là một "đồng minh vững chắc" của Mỹ và an ninh của Ba Lan là rất quan trọng đối với "việc phòng thủ tập thể" ở sườn phía đông của NATO, đồng thời thông báo nước này sẽ cung cấp khoản vay trực tiếp 2 tỷ USD cho Ba Lan để "hỗ trợ hiện đại hóa quốc phòng".
"Các khoản vay như vậy được Washington cung cấp độc quyền cho đối tác an ninh quan trọng nhất của mình", Bộ Ngoai giao Mỹ cho hay.
Cơ quan ngoại giao Mỹ cho biết thêm, trong khoản vay 2 tỷ USD được cung cấp lần này, có tới 60 triệu USD có thể được sử dụng để mua vũ khí và nhận được sự hỗ trợ tương ứng trực tiếp từ Washington trong trường hợp khẩn cấp.
Tuyên bố cũng khẳng định Ba Lan đóng vai trò hỗ trợ cốt lõi trong việc giúp các nước phương Tây vận chuyển vũ khí tới Ukraine. Ngoài ra, Ba Lan cũng đầu tư mạnh vào lĩnh vực quốc phòng và cam kết tăng cường an ninh khu vực.
"Khoản tiền do Mỹ cung cấp cho Ba Lan sẽ hỗ trợ thêm cho quá trình hiện đại hóa quốc phòng của Ba Lan, từ đó tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe ở sườn phía đông của NATO", Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Hãng thông tấn AP nhận định khoản vay 2 tỷ USD mà Mỹ cung cấp cho Ba Lan lần này là "hiếm có".
Binh sĩ Ba Lan tại khu vực gần biên giới với Belarus. (Ảnh: Reuters)
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Ba Lan đã cung cấp cho Ukraine một lượng lớn vũ khí, bao gồm xe tăng, máy bay chiến đấu và các loại trang thiết bị khác. Ngoài ra, Ba Lan còn là kênh vận chuyển chính viện trợ quân sự cho Ukraine từ Mỹ và các nước châu Âu khác.
Tuy nhiên, quan hệ giữa Ba Lan và Ukraine xấu đi gần đây do tranh chấp về mua bán nông sản.
Ukraine là một trong những nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới trước xung đột. Sau khi tuyến vận chuyển qua biển Đen bị hạn chế, Kiev chủ yếu dựa vào xuất khẩu ngũ cốc qua các nước láng giềng. Làn sóng ngũ cốc giá rẻ của Ukraine tràn vào các nước Liên minh châu Âu (EU) đã khiến thị trường nội địa của những quốc gia này lao đao, trong đó có Ba Lan.
EU hồi tháng 5 áp lệnh cấm nông sản Ukraine xuất khẩu vào 5 nước láng giềng Ba Lan, Bulgaria, Romania, Hungary và Slovakia để bảo vệ nông dân địa phương. Lệnh này hết hạn hôm 15/9, nhưng Ba Lan, Slovakia và Hungary lập tức ra tuyên bố duy trì các lệnh cấm đơn phương, bất chấp quyết định của khối.
Ukraine cho rằng các biện pháp của Ba Lan sẽ ảnh hưởng đáng kể hàng xuất khẩu của Ukraine, đồng thời cảnh báo Kiev có thể thể áp đặt biện pháp tương ứng với nếu Warsaw không dỡ bỏ lệnh cấm bổ sung, như cấm nhập khẩu trái cây, rau quả từ Ba Lan.
Đáp lại, Thủ tướng Ba Lan Morawiecki tuyên bố sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine nữa, song khẳng định sẽ không can thiệp vào việc vận chuyển vũ khí từ các nước khác đến Ukraine thông qua trung tâm quân sự Rzeszow của Ba Lan.