Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cận cảnh cầu tàu Ba Son hơn 130 năm tuổi sập xuống sông Sài Gòn

Cầu tàu K rộng hơn 1.500 m2 trong khu Ba Son, ụ tàu duy nhất gần như còn nguyên vẹn sau hơn một thế kỷ sập hoàn toàn xuống sông, kéo theo một cần cẩu.

Cầu tàu K nằm trong khuôn viên dự án Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son trong khu vực dự án Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son (thuộc phường Bến Nghé, quận 1) do Công ty TNHH thương mại và đầu tư phát triển Thiên Niên Kỷ làm chủ đầu tư.

Ba cầu tàu H, K, L có tổng chiều dài 377,8 m nằm tiếp giáp khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son ở bờ phải sông Sài Gòn theo hướng từ thượng lưu về hạ lưu, thuộc phường Bến Nghé, quận 1. Cầu tàu K nằm ở giữa có chiều dài 124,4 m, rộng 12,4 m, cầu bến nhô ra phía sông bằng bê tông cốt thép.

Theo cơ quan chức năng, cầu tàu K bị sập vào lúc 9h15 ngày 20/5, kéo theo 1 cần cẩu trên đó chìm xuống nước. Khu vực bị sập có nhiều cọc bê tông cốt thép ly tâm đường kính 40 cm được đóng để gia cố cầu tàu.

Trước khi bị sập, đây là ụ tàu duy nhất của Ba Son gần như còn nguyên vẹn sau 131 năm xây dựng.

Đối với tàu nhà hàng Vinhomes, số đăng ký SG 8453, đang neo đậu tại khu vực cầu tàu L, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM yêu cầu chủ tàu liên hệ đơn vị này để được hướng dẫn và cấp phép trước khi đưa vào hoạt động.

Cảng vụ Hàng hải TP.HCM cũng yêu cầu Công ty Thiên Niên Kỷ thông báo cụ thể về kế hoạch khắc phục sự cố và kế hoạch gia cố, sửa chữa cho cơ quan chức năng.

Ở phần diện tích cầu tàu sập chìm hẳn xuống sông, lực lượng chức năng cho quây bạt để tiến hành khắc phục.

Việc cầu tàu bị sập cơ bản không ảnh hưởng đến việc tàu thuyền di chuyển qua khúc sông.

Sở Giao thông Vận tải yêu cầu chủ đầu tư bố trí bảng hiệu hàng hải chuyên dùng để cảnh báo. Trong hình, những chiếc xuồng cỡ nhỏ lưu thông rất sát vị trí sập cầu tàu K.

Vị trí cầu tàu Ba Son. Trước đó, Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư và Phát triển Thiên Niên Kỷ đã đề xuất chuyển đổi công năng toàn bộ cầu tàu Ba Son hiện hữu thành bến thủy để tàu khách nước ngoài, du thuyền, phương tiện thủy nội địa ra vào, neo đậu, đưa rước khách du lịch. UBND TP.HCM đánh giá đề xuất này của chủ đầu tư phù hợp với định hướng phát triển vận tải hành khách gắn với du lịch đường thủy của TP. (Ảnh. Google Maps)

Nguồn: Zing News

Tin mới