Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cấm đưa phạm nhân từng trốn trại ra khu lao động ngoài trại giam

(VTC News) -

Những phạm nhân đã có hành vi trốn khỏi cơ sở giam giữ, trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc sẽ không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam.

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, được Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày trước Quốc hội vào sáng 3/6. 

Dự thảo có 3 điều, trong đó, quy định cụ thể việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thuộc Bộ Công an. Số lượng trại giam được áp dụng thí điểm theo Nghị quyết này không quá một phần ba tổng số trại giam thuộc Bộ Công an.

Phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động và có quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Đáng chú ý, dự thảo quy định rõ không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam những phạm nhân thuộc một trong các trường hợp như: đã có hành vi trốn khỏi cơ sở giam giữ, trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc; phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; có từ 2 tiền án trở lên; tái phạm nguy hiểm; người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; người dưới 18 tuổi; người đủ 60 tuổi trở lên; đang xếp loại chấp hành án phạt tù “Trung bình” hoặc “Kém”...

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày trước Quốc hội, sáng 3/6.  (Ảnh: Quochoi.vn)

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam có mục đích chính là giáo dục, cải tạo phạm nhân thông qua lao động, hỗ trợ phạm nhân chuẩn bị các điều kiện để tái hòa nhập cộng đồng. Tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam không mang yếu tố thương mại mà luôn gắn với nhiệm vụ giáo dục cải tạo và hướng nghiệp, dạy nghề.

Ngành nghề tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là ngành nghề pháp luật không cấm, tập trung vào các ngành nghề sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện công tác thi hành án hình sự nói chung, công tác thi hành án phạt tù nói riêng, trong đó công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Hầu hết các trại giam đóng quân trên địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là các trại giam khu vực miền Bắc và miền Trung có diện tích nhỏ, phân tán, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, rất khó khăn trong việc tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam.

Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải hợp tác với các tổ chức, cá nhân để mở rộng ngành nghề liên quan đến công nghệ, máy móc,… tạo cơ hội cho phạm nhân lao động, học nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù.

“Thực tiễn công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục, cải tạo phạm nhân trong tình hình hiện nay đòi hỏi phải có cơ chế mới, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam thực hiện”, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Tán thành với tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Tô Lâm trình bày, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, việc ban hành Nghị quyết này ngoài việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, việc đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề, giúp cho phạm nhân nhanh tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội (Ảnh: Quochoi.vn).

Ngoài ra, mô hình này còn góp phần bảo đảm sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng - an ninh, hạn chế việc phải bổ sung đất đai cho các trại giam để tập trung quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội.

"Việc đề xuất áp dụng thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là phù hợp với chủ trương, định hướng cải cách tư pháp; không trái với quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết thêm.

PHẠM DUY

Tin mới