Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cái giá phải trả cho những kẻ lợi dụng nhân quyền chống phá nhà nước

(VTC News) -

Phạm Thị Đoan Trang và nhiều kẻ lợi dân chủ, nhân quyền, bôi nhọ, chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chính quyền đã phải trả giá.

Tháng 10 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội chủ trì phối hợp với một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an TP.HCM thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét khẩn cấp đối với bị can Phạm Thị Đoan Trang.

Phạm Thị Đoan Trang (sinh ngày 27/5/1978; hộ khẩu thường trú: phường Cát Linh, quận Đống Đa, TP Hà Nội; hiện ở: phòng 6 – lầu 1 – 372/36 đường Cách mạng tháng Tám, phường 10, quận 3, TP.HCM) bị khởi tố về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam", quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 và tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.

Phạm Thị Đoan Trang bị bắt về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Phạm Thị Đoan Trang sinh ra trong một gia đình nền nếp, bố mẹ Trang đều là cán bộ nghỉ hưu, các anh trai của Trang đều là những người đang công tác tại các cơ quan Nhà nước. Bản thân Trang cũng được ăn học  đến nơi, đến chốn đã từng công tác ở nhiều cơ quan thông tin ở Việt Nam.

Tuy nhiên, tháng 1/2013, đối tượng xuất cảnh đi Philippines không xin phép nên bị kỷ luật buộc thôi việc. Chính thời gian này, Phạm Thị Đoan Trang đã bị tiêm nhiễm tư tưởng phản động, chống đối của số cầm đầu các tổ chức  phản động lưu vong.

Trở về nước, Phạm Thị Đoan Trang đóng vai “người bất đồng chính kiến”. Được sự tài trợ, cổ xúy của thế lực không thân thiện với Việt Nam trong chính giới phương Tây, các tổ chức nhân quyền cực đoan và một số đối tượng ảo tưởng chính trị ở bên ngoài, Phạm Thị Đoan Trang “nổi” lên là một trong những đối tượng cầm đầu nhóm “Mạng lưới blogger Việt Nam”. 

Phạm Thị Đoan Trang thường xuyên cấu kết với các phần tử chống đối, phản động trong và ngoài nước; các hội, nhóm chống đối sử dụng chiêu trò “phản biện xã hội” để thể hiện chính kiến trước những sự kiện chính trị – xã hội của đất nước, các vấn đề đang được xã hội quan tâm nhưng thực chất là lợi dụng để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kích động, cổ súy các hành vi chống đối, biểu tình, vi phạm pháp luật nhằm chống Đảng, Nhà nước. 

Phạm Thị Đoan Trang còn viết hàng trăm tài liệu nội dung xuyên tạc, phản động; thực hiện trên 50 lượt trả lời phỏng vấn các đài báo nước ngoài; viết, tán phát 10 cuốn sách có nội dung tuyên truyền xuyên tạc thực trạng dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, đả phá, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hướng dẫn  "kỹ năng", cách thức đối phó với cơ quan An ninh như Cẩm nang truyền thông”, “Cẩm nang pháp lý dành cho các bạn hoạt động xã hội”, “Từ facebook xuống đường”. “Anh Ba Sàm”, “Bầu cử phi dân chủ ở Việt Nam”, “Chính trị bình dân”, “Toàn cảnh thảm họa môi trường Formosa ở Việt Nam”, “Phản kháng phi bạo lực”,"Học chính sách công qua chuyện luật khu”... kích động lật đổ chế độ.

Chính bởi những hoạt động chống phá quyết liệt như trên, Phạm Thị Đoan Trang là một trong những đối tượng được các thế lực thù địch bên ngoài hậu thuẫn mạnh mẽ nhất. 

Năm 2017, NGO PIN của Séc, là một tổ chức luôn có cái nhìn thù địch với Việt Nam đã công khai trao tặng đối tượng cái gọi là giải thưởng nhân quyền Homo Homini; năm 2019 được Tổ chức phóng viên không biên giới – RSF đề cử giải thưởng tự do báo chí. 

Chính vì thế ngay sau khi Phạm Thị Đoan Trang bị bắt, các tổ chức mang danh nhân quyền, tự do này đã lập tức giở lại các chiêu bài cũ, kêu gào, lên tiếng đòi trả tự do cho đối tượng này.

Trước Phạm Thị Đoan Trang, ngày 23/6, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với 2 đối tượng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, với Trịnh Bá Phương, sinh ngày 26/01/1985; quê quán: Kim Quan, Thạch Thất, Hà Nội và Nguyễn Thị Tâm, sinh ngày 28/9/1972; quê quán: Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội.

Cơ quan điều tra đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam Trịnh Bá Tư.

Cùng ngày, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình cũng khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với 2 đối tượng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, với Cấn Thị Thêu, sinh ngày 15/12/1962; quê quán: Kim Quan, Thạch Thất, Hà Nội và Trịnh Bá Tư, sinh ngày 24/4/1989; quê quán: Kim Quan, Thạch Thất, Hà Nội.

Kết quả điều tra xác định 4 bị can có hoạt động soạn thảo, đăng tải, phát tán các video clip, bài viết có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân nhằm mục đích chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày 18/5, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP.HCM cũng đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Nguyễn Tường Thụy (SN 5/9/1950 tại Nam Định; chỗ ở: P507 Nhà A2, chung cư 54 Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) bị bắt về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự.

Đây là kết quả của việc mở rộng điều tra vụ án “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” do Phạm Chí Dũng cầm đầu (Dũng bị bắt cuối năm 2019). 

Hàng loạt các đối tượng lợi dân chủ, nhân quyền để bôi nhọ, chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chính quyền bị bắt cho thấy những kẻ có tư tưởng chống đối, những thế lực thù địch luôn tìm cách phá hoại cuộc sống bình yên của Nhân dân; Xuyên tạc, bôi xấu chế độ, bôi xấu thành quả mà và Nhân dân ta có được.

Thiếu Huyền

Tin mới