Do dành nhiều thời gian để chuẩn bị đón Tết, nhiều bậc phụ huynh ít để mắt đến con nhỏ. Chỉ một vài phút lơ là của cha mẹ, cùng với sự hiếu động, nghịch phá của trẻ, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ghi nhận hằng năm, số ca trẻ em phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng I (TP.HCM) do các tai nạn sinh hoạt khoảng 10 - 20 trường hợp trong mỗi đợt Tết. Để đảm bảo an toàn cho trẻ trong dịp này, các bậc phụ huynh cần chú ý những tai nạn có thể xảy ra.
Tai nạn bỏng
Trẻ có thể bị bỏng nước sôi do chạm tay, đụng đổ nồi nước sôi, nồi canh, bình trà đang nấu hay để trên bếp, trên bàn. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị bỏng do nhang, đèn dầu, đèn cầy thắp khi cúng hay bị phỏng điện do nghịch phá đèn chớp tắt trang trí.
Bỏng do bàn là khi phụ huynh là đồ chuẩn bị mặc đi chơi Tết, rồi bất cẩn để nguyên bàn là đi làm việc gì khác, trẻ chạy chơi qua sẽ bị ngã, chạm phải gây chấn thương, bỏng.
Phụ huynh nên cẩn trọng với những tai nạn trẻ có thể gặp trong ngày Tết. (Ảnh: BVCC)
Hóc dị vật
Tết là dịp các loại kẹo, hạt được bày sẵn trên bàn. Các bé có thể tự lấy ăn, bỏ vào miệng nuốt, bắt chước người lớn cắn hạt dưa, hạt bí. Nhiều trường hợp bé nuốt, mắc phải các loại hạt này trong đường thở, gây ngạt, nguy kịch.
Ngạt nước
Tai nạn này thường xảy ra với các bé nhỏ tuổi, đang chập chững đi. Trong lúc người lớn bận dọn dẹp, sửa soạn chuẩn bị Tết, các bé có thể đi vào phòng tắm, ra sân, vô tình ngã xuống ao, hay ngã chúi đầu vào thau, xô đựng đầy nước đã được hứng sẵn để dọn rửa nhà cửa, sân vườn.
Uống nhầm hóa chất
Ngày Tết, phụ huynh thường hay đổ dấm, dầu lửa để sử dụng trong các chai nhựa đựng nước. Trẻ vốn tính hiếu động, tò mò nên rất dễ lầm tưởng đó là chai nước và cầm lên uống phải gây ngộ độc.
Tai nạn bất ngờ
Những ngày Tết, trẻ cũng không được ăn uống nề nếp như ngày thường, hay vừa ăn vừa chơi. Nhiều trường hợp trẻ cầm muỗng, đũa ăn và chạy chơi bị ngã, xốc vào miệng/mũi gây tổn thương vùng hầu họng.
Lưu ý với cha mẹ
- Hạn chế đồ trang trí, đặc biệt là các loại đèn chớp tắt, vật nhỏ vì trẻ dễ bỏ vào miệng nuốt.
- Để bàn là, đồ nóng, nước sôi nên để trên cao, đậy kín, khuất, tránh tầm tay trẻ em.
- Không nên để các loại hóa chất trong các chai đựng nước uống và không để các chai lọ này ở tầm tay trẻ. Tránh trữ nước trong thau, xô trong nhà.
- Người lớn cũng nên giữ cho trẻ chế độ ăn uống như bình thường trong những ngày Tết để đảm bảo sức khỏe và chú ý các loại thức ăn có hạt.
- Đối với gia đình có con nhỏ thì nhất thiết phải thiết kế ngôi nhà an toàn thay vì ngôi nhà đẹp, nhà xinh.