Bảo quản thịt, cá, tôm
Đối với thịt, cá, tôm, cần ướp gia vị phù hợp, sau đó cho vào hộp kín dùng để bảo quản thực phẩm rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh.
Trước khi chế biến, chỉ cần lấy từng phần cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 4-5 tiếng rồi mới chế biến. Làm như thế sẽ hạn chế được việc rã đông toàn bộ thực phẩm mỗi lần chế biến, đảm bảo được hàm lượng dinh dưỡng và độ thơm ngon của thực phẩm.
Bảo quản hành lá tươi ngon
Hành lá là nguyên liệu không thể thiếu làm tăng thêm độ hấp dẫn của món ăn. Tuy nhiên, nếu bảo quản thực phẩm không đúng cách, rau hành sẽ rất dễ bị úng, hư hỏng.
Cách bảo quản hành lá tốt nhất là nhặt và rửa sạch hành, cho vào rổ để ráo, dùng dao thái nhỏ và cho vào chai nhựa có nắp đậy thật kín, sau đó cho vào ngăn đá tủ lạnh. Mỗi lần sử dụng lấy ra một ít rồi lại bảo quản trong ngăn đá, với cách này, hành lá sẽ tươi ngon trong 1 tuần.
Bảo quản trái cây tươi
Trái cây sau khi mua về, nhặt sạch cuống, loại bỏ những trái hỏng, rửa sạch, để ráo và tiến hành phân thành từng loại riêng, có những loại không nên bảo quản trong tủ lạnh như cà chua, chuối.
Cho từng loại trái cây vào túi nilon dùng để bảo quản thực phẩm và để trong ngăn mát tủ lạnh. Tuyệt đối không để vào ngăn đá hay ngăn mát trên cùng bởi nhiệt độ quá lạnh sẽ làm trái cây hỏng nhanh. Đối với những trái cây đã sử dụng một phần, nên dùng màng bọc thực phẩm bọc lại kín rồi bảo quản ở ngăn dưới cùng tủ lạnh.
Bảo quản rau xanh
Rau xanh cần nhặt, rửa sạch, để ráo rau rồi cho vào túi nilon, bọc kín, sau đó cho vào ngăn dùng để bảo quản rau. Làm như vậy, rau sẽ luôn tươi và dùng được lâu dài.
Lưu ý khi bảo quản thực phẩm
Ưu điểm của phương pháp bảo quản ở nhiệt độ thấp có thể giúp ức chế sự sinh sản và phát triển của vi khuẩn, giữ cho thực phẩm tươi lâu, không bị bốc mùi. Tuy nhiên, không có nghĩa là thực phẩm cứ để trong tủ lạnh sẽ an toàn 100%.
Nhiều nghiên cứu cho thấy thịt, cá để trong tủ lạnh càng lâu càng dễ biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe người dùng. Quá trình cấp đông và rã đông làm mất 1/3 chất béo hoà tan trong thịt, một số chất gần như mất hết. Nhìn chung, tổng hàm lượng dinh dưỡng sau mỗi lần làm đông - rã đông đều giảm 20%. Người thường xuyên ăn loại thịt, cá này về lâu dài dễ sinh bệnh.
Chỉ nên dự trữ thịt cá trong tủ lạnh với một thời gian nhất định rồi đem chế biến chứ không nên để quá lâu. Tùy vào khả năng chịu nhiệt của từng loại thực phẩm. Đối với thịt lợn, gà, vịt chỉ nên để trong 7 ngày; thịt thỏ, chim bồ câu 5 ngày; thịt bò, dê có thể để 10 ngày. Riêng các loại cá không nên lưu giữ quá 2 ngày. Nên để thực phẩm ráo nước rồi mới cho vào tủ lạnh.
Video: Cảnh giác với thịt, cá nhiễm khuẩn, ôi thiu