Làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là một trong những vùng trồng hoa có diện tích lớn nhất và lâu đời tại Thủ đô. Gần cuối năm, những nông dân trồng hoa ở đây lại tất bật chăm sóc nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu chơi hoa cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024.
Ở Tây Tựu có đến hơn 60% hộ gia đình làm nghề trồng hoa. Tùy từng diện tích và mỗi loài hoa, các hộ sẽ có mức đầu tư khác nhau. Mức đầu tư trung bình cho một vườn hoa có thể từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng từ khâu giống đến các khâu chăm sóc, đầu tư nhà vườn.... Vụ cuối năm, ở đây trồng chủ yếu là hoa ly, hoa cúc, hoa hồng.
Theo nhiều người trồng hoa, thời tiết năm nay thay đổi thất thường nên ảnh hưởng đến chất lượng hoa và thời điểm thu hoạch. Họ mong muốn vụ hoa cuối năm nay sẽ kéo lại kinh tế cho cả năm trồng hoa. Để hoa nở vào đúng dịp Tết Nguyên đán, đa phần hoa ở đây đều được trồng trong nhà lưới hoặc thắp đèn vào buổi tối. Những ngày này nắng nhiều, hoa cúc nở sớm, không đúng vào dịp mùng Một hay Rằm, người trồng hoa phải bán hạ giá, trung bình 3.000 đồng/bông hoa cúc loại 1, còn hoa loại 2 - 3 rẻ hơn. Người dân làng hoa Tây Tựu
Bà Nguyễn Thị Phú (58 tuổi, ở Tây Tựu, Hà Nội) cho biết, gia đình bà đã theo nghề trồng hoa ở Tây Tựu hơn 20 năm nay. Theo tính toán của bà Phú, hơn 5 sào hoa cúc vàng, trắng và hoa hồng của bà đều rất phù hợp để bán vào dịp mùng Một, ngày Rằm hàng tháng, đặc biệt là dịp Tết ông Công ông Táo, đi tảo mộ, cắm trên ban thờ, trồng vào chậu để trang trí Tết. Tuy nhiên, so với thời điểm năm ngoái thì giá cả năm nay thấp hơn vì ảnh hưởng của tình hình kinh tế khó khăn, người dân phải thắt lưng buộc bụng, chi tiêu tiết kiệm nên nhu cầu tiêu thụ hoa thấp. "Hoa cúc vàng hoặc trắng, hiện tại nhà tôi bán buôn giá dao động khoảng 100.000 - 150.000 đồng cho 50 bông. Hoa hồng đẹp giá 3.000 - 4.000 đồng/bông, với giá bán như hiện nay chỉ hoà vốn", bà Phú cho hay.
Theo lời kể của bà Phú, vụ cuối năm trước, trừ hết chi phí giống, phân bón và công chăm sóc thì mỗi sào hoa, gia đình bà lời được khoảng 40 triệu đồng. Như vây, 5 sào hoa, gia đình bà có dư khoảng 200 triệu đồng. "Gia đình tôi cũng mong muốn vụ cuối năm nay giá cả sẽ tốt hơn hoặc bằng nằm ngoái để dịp Tết bánh chưng còn có nhân thịt", bà Phú chia sẻ.
Cũng giống như bà Phú, bà Thắng (68 tuổi, ở Tây Tựu, Hà Nội) cho biết, để có được một mùa hoa đúng vụ, người trồng phải theo dõi cây từng giờ, mọi diễn biến bất ngờ, bất thường của thời tiết đều có thể khiến cây hoa "trở chứng". "Để có hoa phục vụ nhu cầu những ngày Tết, ngay từ đầu tháng 9 Am lịch, chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị. Đặc biệt, khi bước sang tháng Chạp, nhịp độ làm việc càng nhộn nhịp hơn, từ việc tưới nước, chăm sóc cho hoa, bảo đảm hoa phát triển đúng độ, nở đều và đẹp đúng ngày Tết", bà Thắng nói.
"Hiện nay, toàn bộ 3 sào hoa cúc của gia đình tôi đều sinh trưởng, phát triển tốt, dự tính sẽ thu hoạch đúng dịp Tết Nguyên đán", bà Thắng cho biết thêm.
Dịp Tết là vụ lớn nhất năm của người dân trồng hoa Tây Tựu, nơi đây lại rộn ràng, tất bật hơn cả. Người trồng hoa Tây Tựu hy vọng gần Tết, nhu cầu của khách hàng sẽ tăng cao, hoa nở đúng dịp để có thể được tiêu thụ hết với giá tốt nhất.
Những bông hoa cúc vàng nở sớm sẽ được người nông dân thu hoạch xen kẽ, cung ứng ra thị trường phục vụ nhu cầu cắm hoa hàng ngày.
Những bóng đèn được thắp xuyên đêm để hoa nở đúng dịp Tết, với hy vọng cuối năm nay có được một mùa bội thu.