Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cả 3 nhóm ngành hàng quan trọng giảm xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm

(VTC News) -

Nhóm hàng công nghiệp chế biến; hàng nông, thủy sản; và nhóm nhiên liệu khoáng sản đều có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Công Thương cho biết, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm ước đạt 196,84 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,1%).

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hai con số, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 33,30 tỷ USD. Đây được xem là điểm sáng của hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm 2020 đến nay, nhất là trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (bao gồm cả dầu thô) giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2019 (ước đạt 66,06 tỷ USD) do tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Đáng chú ý, 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của cả 3 nhóm ngành quan trọng đều giảm. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến có mức giảm thấp nhất là 1,2% so với cùng kỳ năm 2019; tiếp đến nhóm hàng nông, thủy sản với mức giảm 4,7% và nhiên liệu khoáng sản có mức giảm cao nhất là 31,3%.

Như vậy, không còn chỉ là giảm tốc nữa mà chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, bị nhiều đối tác cắt đơn hàng, xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gặp nhiều khó khăn trong quý II/2020, đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Bộ Công Thương thông tin thêm, trong 5 tháng đầu năm, có 17 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện dù vẫn là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất nhưng kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 17,98 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Về cán cân thương mại, riêng trong tháng 5, Việt Nam ước tính nhập siêu 900 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 1,88 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số thâm hụt 256 triệu USD của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 10,52 tỷ USD; khối doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu 8,64 tỷ USD.

Như vậy tiếp nối tháng 4, hoạt động thương mại trong tháng 5 của Việt Nam mặc dù đã có những khởi sắc, nhưng vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19.

Có thể nói, hoạt động thương mại của Việt Nam từ đầu quý II/2020 đã chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19 lây lan trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN..., đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Liên quan tới vấn đề xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến nay, theo kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cho biết thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh; 47,2% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được.

Thời gian tới, Bộ Công Thương dự báo, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Việt Nam mặc dù đã thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài.

Trong khi đó, dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, quá trình hồi phục sẽ mất nhiều thời gian. Do đó, trong những tháng tới, xuất nhập khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục nhưng kim ngạch vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Nguyễn Quỳnh/VOV.vn

Tin mới