Công ty cổ phần Than Đèo Nai – Vinacomin vốn là doanh nghiệp gạo cội của ngành than nhưng gần đây đang gặp nhiều khó khăn do điều kiện khai thác bất lợi, thị trường tiêu thụ hạn chế, năng lực quản trị chưa đáp ứng kỳ vọng của sự phát triển mới.
Tháng 7/2006, Than Đèo Nai chuyển sang hoạt động theo hình thức cổ phần, Giám đốc đương nhiệm là ông Phạm Duy Thanh (từ tháng 10/2016). Hơn 1 năm sau, cổ phiếu TDN của Than Đèo Nai niêm yết trên sàn Hà Nội. Dù có thâm niên trên sàn chứng khoán, song giá cổ phiếu Than Đèo Nai sau nhiều năm vẫn vật lộn dưới mệnh giá, thanh khoản khá èo uột.
Gánh nợ lớn
Báo cáo tài chính sau kiểm toán mới nhất cho thấy Than Đèo Nai – Vinacomin đang nợ hơn 988,1 tỷ đồng, gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó nợ ngắn hạn hơn 558,9 tỷ đồng và nợ dài hạn hơn 429 tỷ đồng.
Than Đèo Nai giảm hơn nửa lợi nhuận trong 2020, một phần do gánh nặng chi phí quá lớn.
Riêng các khoản vay thuê tài chính, Than Đèo Nai ghi nhận khoản nợ tới gần 714 tỷ đồng, gồm 287 tỷ đồng vay và thuê tài chính ngắn hạn và 426,3 tỷ đồng vay dài hạn. Nợ vay lớn khiến doanh nghiệp phải trả gần 46,8 tỷ đồng lãi suất trong năm 2020.
Than Đèo Nai đang vay nợ nhiều ngân hàng khác nhau. Theo báo cáo, Ngân hàng TMCP Công Thương – chi nhánh Cẩm Phả, Ngân hàng TMCP BIDV – chi nhánh Cẩm Phả, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội, Ngân hàng TMC Quốc tế - chi nhánh Quảng Ninh, Ngân hàng TMCP Quân đội – chi nhánh Quảng Ninh, Ngân hàng TMCP Ngoại thương – chi nhánh Tây Hà Nội… là những nhà băng đang có khoản tín dụng lớn với TDN.
Việc doanh nghiệp đi vay để đầu tư không hiếm nhưng để nợ gấp nhiều lần vốn thì không những cho thấy tình trạng kinh doanh đang gặp vấn đề mà còn chứng tỏ có thể doanh nghiệp chưa biết cách vay nợ để kinh doanh và khai thác lợi ích của hiệu quả tiết kiệm thuế. Thậm chí, nếu nợ quá lớn trong khi khả năng thanh toán không đảm bảo dễ đặt doanh nghiệp vào vòng rủi ro.
Không những thế, đa số những khoản vay này theo hình thức lãi suất thả nổi, một số không có tài sản đảm bảo, số khác được bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay. Theo giới chuyên gia, việc doanh nghiệp chọn lãi suất thả nổi cũng giống như “con dao hai lưỡi”. Khi lãi suất thị trường giảm thì số tiền trả lãi vay giảm nhưng khi lãi suất thị trường biến động tăng so với thời điểm vay thì số tiền lãi vay của khách hàng phải thanh toán cho ngân hàng sẽ nhiều hơn.
Doanh thu giảm, lãi đi lùi
Báo cáo cho thấy doanh thu thuần của Than Đèo Nai trong 2020 chỉ đạt gần 3.015 tỷ đồng, giảm 12,6% so 2019. Lợi nhuận trước và sau thuế đạt 55,6 tỷ đồng và 44,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 56% và 55,5%.
Giải trình về việc này, ban lãnh đạo Than Đèo Nai cho rằng nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm mạnh là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khiến doanh nghiệp phải giảm sản lượng khai thác, lượng than tiêu thụ và doanh thu cũng giảm theo.
Không chỉ hoạt động kinh doanh xuống dốc, dấu trừ cũng xuất hiện trong quản lý tài sản của Than Đèo Nai. Nhìn vào báo cáo tài chính, có thể thấy tài sản “nổi bật” trong cơ cấu tài sản ngắn hạn là khoản phải thu của khách hàng lên đến gần 215,7 tỷ đồng, gấp 72 lần tiền và tương đương tiền. Trong số này, khoản phải thu tại Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam – Công ty Tuyển Than Cửa Ông là lớn nhất, hơn 120 tỷ đồng. Ngoài ra, Than Đèo Nai có khoản tồn kho lên đến gần 244 tỷ đồng.
Trong 2020, dù hoạt động sản xuất chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch do virus corola gây ra song chi phí quản lý doanh nghiệp của Than Đèo Nai lại tăng 29,5% lên hơn 149,4 tỷ đồng. Trong số này, khoản chi phí khác bằng tiền mặt lên đến gần 28,5 tỷ đồng, khoản phí vật liệu quản lý hơn 5,3 tỷ đồng và phí dịch vụ mua ngoài hơn 12,7 tỷ đồng.
Doanh nghiệp muốn đạt kết quả sản xuất kinh doanh tốt thì việc quản lý các khoản phí phát sinh hiệu quả và minh bạch. Trong khi chi phí bán hàng chỉ chưa hết 1,5 tỷ đồng thì các khoản phí khác lại cao gấp nhiều lần sẽ không khiến cổ đông đặt dấu hỏi.
Thêm điểm đáng lưu ý, trong năm 2020, doanh nghiệp cũng nộp phạt khoản tiền lên đến hơn 829 triệu đồng, gấp 2,1 lần năm trước.
Trên thị trường, cổ phiếu TDN của Than Đèo Nai vẫn miệt mài giao dịch dưới mệnh giá, ở mức 9.100 đồng/cổ phiếu, thanh khoản chỉ vài trăm cổ phiếu mỗi phiên.
Kiến nghị Bộ Công an điều tra, xử lý vi phạm tại công ty than Đèo Nai
Thanh tra Chính phủ từng kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra tiếp nhận hồ sơ, xem xét, điều tra, xử lý trách nhiệm đối với vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại hai công ty than Đèo Nai và Than Cao Sơn.
Theo đó, tại kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và một số đơn vị thành viên thời kỳ từ 2010 đến tháng 6/2015. TTCP cho rằng, hai công ty than Đèo Nai và Cao Sơn có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi nghiệm thu, thanh toán khối lượng thuê ngoài vận chuyển đất đá vi phạm về quy định sử dụng đăng kiểm tải trọng xe.
Cụ thể, tại hai công ty cổ phần than Đèo Nai và Cao Sơn, khối lượng đất đá vận chuyển được các đơn vị nghiệm thu, thanh toán (theo số chuyến và tải trong xe) cho các đơn vị thuê ngoài có sự chênh lệch rất lớn so với khối lượng tự vận chuyển (vượt từ 54,7 đến 75,7), tương đương khối lượng khoảng 43,452 triệu m3. Với trị giá bình quân 8.000 đồng/m3 thì tổng số tiền vi phạm lên tới 347,6 tỷ đồng.
Kết quả nghiệm thu khối lượng vận chuyển đất, đá với khối lượng thuê ngoài đã vi phạm nghiêm trọng quy định về sử dụng đăng kiểm trọng tải vận chuyển, dễ xảy ra tai nạn, tiêu cực trong quá trình vận chuyển, nghiệm thu và thanh toán… cần đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra xử lý nghiêm để ngăn chặn.
Dựa trên kết quả thanh tra, TTCP kiến nghị cơ quan công an điều tra vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại hai công ty than Đèo Nai và Cao Sơn.