Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV diễn ra chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp tục đăng đàn trả lời các câu hỏi của đại biểu.
Đại biểu Trần Văn Tiến đặt câu hỏi về nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đây là tình trạng phổ biến được tổ chức tinh vi và có liên kết cả trong phạm vi trong và ngoài nước. Ông cũng cho biết, đây là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, đặt ra yêu cầu phối hợp đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường được thành lập để giải quyết tình trạng này. Hiện nay, lực lượng quản lý thị trường đang tiếp tục phát huy vị thế qua việc phối hợp với các địa phương.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Ảnh: Quang Vinh - VOV
Lãnh đạo Bộ Công Thương thừa nhận có trách nhiệm của mình trong vấn đề này, tuy nhiên ông cũng cho rằng cần có trách nhiệm của cả hệ thống trong đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, cũng như đấu tranh với các hành vi tiếp tay.
“Không chỉ có thuốc giả mà còn có quần áo giả, việc này có sự tiếp tay của lực lượng chức năng của địa phương. Bộ Công Thương vừa qua quyết liệt đấu tranh chống các mặt hàng giả như đường, quần áo, tập trung một số địa bàn trọng điểm như Đồng Tháp, An Giang, Hà Nội”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng khẳng định, tới đây Tổng cục Quản lý thị trường sẽ làm tốt hơn nhiệm vụ của mình và có giải pháp đấu tranh hữu hiệu hơn nữa.
Thực trạng đa cấp cũng được đại biểu Dương Tuấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, tính đến nay, Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp và 1,3 triệu người tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp, đến nay con số chỉ còn 23 doanh nghiệp và 800.000 người tham gia. Trong số này, có khoảng 300.000 người thực sự tham gia đặt mục tiêu hướng tới lợi nhuận, còn lại muốn được hưởng chiết khấu cho các sản phẩm bán hàng đa cấp.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện nay đa cấp bất chính không chỉ bán hàng đa cấp trong các mặt hàng sản phẩm thương mại, mà còn huy động tín dụng hay đa cấp trong các dịch vụ khác. Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, báo cáo Chính phủ và Quốc hội để có biện pháp để điều tra, xử lý.