Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 68,86 tỷ USD, giảm 5,7%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô đạt 190,81 tỷ USD, giảm 9,1%, chiếm 73,5%.
Trong 9 tháng năm 2023, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,2%.
“Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, ước đạt 220,28 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu giảm chủ yếu như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 41,19 tỷ USD, giảm 1,7%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 39 tỷ USD, giảm 13,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 30,6 tỷ USD, giảm 10,6%; hàng dệt may đạt 25,5 tỷ USD, giảm 12,1%; giày dép đạt 14,86 tỷ USD, giảm 18,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,68 tỷ USD, giảm 21,3%...”, Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam 9 tháng qua ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2 so với cùng kỳ năm trước (Ảnh minh hoạ).
Ở chiều ngược lại, các sản phẩm của ngành nông nghiệp đã có những đóng góp ấn tượng cho hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là các nhóm hàng nông sản như: gạo, rau quả, cà phê, hạt điều… Trong 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, thủy sản tăng 3,1%, ước đạt 23,87 tỷ USD, chiếm 9,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó, xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng 71,8% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2022, đạt 3,16 tỷ USD; xuất khẩu gạo đạt kim ngạch xuất khẩu 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước và vượt kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2022 đạt 3,45 tỷ USD; xuất khẩu điều ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 14,3%, cà phê đạt hơn 3,1 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng theo nhận định của Bộ Công Thương, 9 tháng qua, các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu.
Do vậy, kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng năm 2023 của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, trong đó thị trường châu Á giảm 3,6%; thị trường châu Âu giảm 6,8%; thị trường châu Mỹ giảm 15,8%; thị trường châu Phi tăng 1,2%; châu Đại dương giảm 3,9%.
Nhiều mặt hàng nông thuỷ sản Việt Nam có tín hiệu cuất khẩu khả quan (Ảnh Báo công thương).
Xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chỉ chiếm 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, ước đạt 3,05 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 70,9 tỷ USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch ước đạt 42,2 tỷ USD, tăng 2,1%. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn khác cũng giảm như: thị trường EU giảm 8,2%; thị trường ASEAN giảm 5,5%, Hàn Quốc giảm 5,1%, Nhật Bản giảm 3%”, Bộ Công Thương cho biết.
Lý giải về nguyên nhân của sự suy giảm trong sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu trong 9 tháng qua, Bộ Công Thương cho biết, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm.
Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.
Cùng với đó, giá hàng hoá xuất khẩu có xu hướng giảm trong 9 tháng năm 2023, trong đó giá một số hàng nông sản giảm mạnh ở mức hai con số so với cùng kỳ năm ngoái như hạt tiêu giảm 25,1%, cao su giảm 18,7%, dầu thô giảm 15,8%, hay một số mặt hàng công nghiệp chế biến như phân bón giảm 35,4%, chất dẻo giảm 23,4, sắt thép giảm 23,8%.
Cùng với đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp của ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…