Kinh tế đêm - "cỗ máy in tiền" của ngành du lịch
Lợi ích của kinh tế ban đêm là thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng, miền. Do đó, nếu kinh tế ban đêm càng được đầu tư đa dạng và phong phú thì càng có khả năng giữ chân du khách và kích thích nhu cầu chi tiêu của du khách. Điều này không chỉ tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân địa phương mà đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Là một trong những đầu mối giao thương quan trọng, giàu tiềm năng về kinh tế, du lịch tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Quy Nhơn (Bình Định) được đánh giá là điểm đến mới hội tụ đủ các yếu tố để phát triển nền kinh tế đêm, đón đầu xu thế “thành phố không ngủ”. Tuy nhiên, kinh tế đêm tại đây chưa khai thác hết lợi thế của địa phương, là khoảng trống khiến lãnh đạo các cấp tại mảnh đất tiềm năng này lúng túng.
Bình Định đã có những chương trình hành động, định hướng, dần triển khai và đầu tư bài bản để kích hoạt nền kinh tế đêm - "cỗ máy in tiền" của ngành du lịch.
Hiểu được tầm quan trọng của phát triển kinh tế ban đêm, thời gian gần đây, Bình Định đã tổ chức các hội thảo đề xuất các định hướng quy hoạch các khu vực, địa điểm, loại hình phát triển kinh tế ban đêm. Đồng thời, đưa ra các giải pháp về xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, thị trường, nguồn nhân lực để phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận.
Vừa qua, UBND thành phố Quy Nhơn (Bình Định) đã báo cáo Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh về đề xuất các khu vực phát triển kinh tế ban đêm tại địa phương để thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Bình Định đến năm 2030.
Cụ thể, về ẩm thực có phố Phan Bội Châu (phường Lê Lợi). Các cơ sở dịch vụ ăn uống dọc các tuyến đường trung tâm (Seasand, Sub bar1, Sub bar2 - bãi biển Xuân Diệu), pub, club, nhà hàng, quán ăn, cà phê tập trung tại các tuyến đường Xuân Diệu, An Dương Vương, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Trung Tín… vẫn hoạt động từ trước đến nay.
Riêng phố ẩm thực Ngô Văn Sở (phường Trần Phú), thành phố đề nghị kéo dài thời gian hoạt động từ 17 đến 22h sang từ 17h đến 23h hàng ngày.
Về vui chơi giải trí, tập trung ở các địa bàn phường Lý Thường Kiệt, Thị Nại với các hoạt động như karaoke, vũ trường, massage, ca nhạc, văn hóa, võ thuật... đã hoạt động từ trước đến nay. Tuy nhiên, bây giờ sẽ hoạt động theo quy định ngành nghề kinh doanh của Trung ương.
Các show diễn nghệ thuật đường phố vào thứ 7 và chủ nhật tại Công viên Trịnh Công Sơn; nghệ thuật truyền thống "hát tuồng, dân ca kịch, bài chòi tại Trung tâm Hội nghị tỉnh…
Riêng Phố đi bộ Quy Nhơn (phường Lý Thường Kiệt và Trần Phú) dự kiến đưa vào hoạt động năm 2025.
Về mua sắm, hiện có các địa điểm bán đặc sản địa phương, hàng quần áo, hàng OCOP, chợ đêm, các trung tâm thương mại lớn, các cửa hàng tiện lợi 24/7…
Đối với dịch vụ tham quan, tour, đang triển khai các tour du lịch cộng đồng tại xã Nhơn Lý, Nhơn Hải; tour du lịch Cù Lao Xanh (xã Nhơn Châu); tour xích lô, xe điện thưởng ngoạn trung tâm thành phố; các điểm tham quan vào buổi tối (Tháp Đôi, Chùa Long Khánh, Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Trung tâm khám phá khoa học Quy Nhơn...).
Nhóm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thể dục, thể thao, tập trung tại phường Nguyễn Văn Cừ.
Về lưu trú, trên địa bàn thành phố có 369 khách sạn, trong đó có 338 khách sạn từ 5 sao đến 1 sao và khách sạn đạt chuẩn, 31 khách sạn chưa thẩm định.
Từ những động thái trên, có thể thấy Quy Nhơn cũng đang rất nỗ lực trong việc phát triển kinh tế đêm.
Trước đó, cuối tháng 6/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Pham Anh Tuấn yêu cầu chính quyền Quy Nhơn “chủ động phối hợp với Sở Du lịch và các sở, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, tham mưu đề xuất xây dựng đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố”.
Ông Tuấn lưu ý cần đặt trọng tâm vào các dịch vụ vui chơi, giải trí đêm ở những khu vực nhiều tiềm năng, dư địa phát triển như dọc đường Xuân Diệu, Đô Đốc Bảo, ven đầm Thị Nại, các xã Nhơn Hải, Nhơn Lý...”.
Ngày 15/7 vừa qua, kết luận một hội nghị, Bí thư Thành ủy Quy Nhơn Nguyễn Văn Dũng cũng yêu cầu: “Đẩy nhanh tiến độ chỉnh trang đô thị, đưa vào hoạt động 3 hạng mục lớn ngay đầu năm 2025 để tạo điểm nhấn đô thị, phát triển kinh tế đêm là phố đi bộ, Công viên Võ Bình Định, dự án giải trí trên đường Xuân Diệu”.
Làng nghề nón ngựa Phú Gia tại Bình Định.
Quảng bá hình ảnh thông qua du lịch, điện ảnh và thể thao
Để khai thác triệt để thế mạnh, tiềm năng du lịch, UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành kế hoạch phối hợp xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua chương trình "Du lịch, điện ảnh và thể thao - tự hào bản sắc Việt".
Theo đó, từ ngày 2 đến 4/9, Bình Định sẽ diễn ra nhiều hoạt động nổi bật, như: Chương trình tham quan du lịch trải nghiệm tại một số lò võ, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Mục đích của Chương trình nhằm quảng bá danh lam thắng cảnh, điểm đến du lịch của Bình Định có bối cảnh phim và điểm du lịch của nơi diễn ra các sự kiện thể thao trong nước và quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng với bạn bè quốc tế thông qua các lĩnh vực du lịch, điện ảnh và thể thao;
Phát huy sức mạnh tổng hợp, tiềm năng, lợi thế của các doanh nghiệp - nhà đầu tư và tỉnh Bình Định - điểm đến du lịch, nhà sản xuất phim và những người hoạt động trong lĩnh vực thể dục, thể thao trong việc liên kết phát triển du lịch, điện ảnh và thể thao cùng nhau “kiến tạo tương lai - đường dài chung bước”, góp phần tôn vinh, quảng bá du lịch và xuất khẩu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài;
Kết nối di sản văn hóa tỉnh Bình Định trong công tác quảng bá du lịch, liên kết với nhau thành một hệ thống để bảo tồn, phát huy và khai thác di sản phục vụ phát triển du lịch;
Xây dựng môi trường, cầu nối cho các nhà làm phim, doanh nghiệp, cácnhà quản lý cùng gặp gỡ, trao đổi và đề xuất những giải pháp kết hợp hiệu quả hơn nữa giữa du lịch, điện ảnh và thể thao trong công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh cho các điểm đến của Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế;
Xây dựng các chính sách ưu đãi, khuyến khích hợp tác, liên kết, liên doanh giữa Bình Định với các tỉnh, thành phố, giữa lĩnh vực thể thao - du lịch, du lịch - điện ảnh và thể thao - điện ảnh để cùng nhau phát triển một cách bền vững.
Trong chuỗi sự kiện này sẽ diễn ra chương trình trình diễn võ thuật giới thiệu về lịch sử, các võ đường, các bài quyền của võ cổ truyền Bình Định. Qua đó, quảng bá lịch sử phát triển võ cổ truyền Bình Định đến với nhân dân, khách du lịch trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, chương trình đại nhạc hội đôi cánh diệu kỳ với quy mô khoảng 5.000-10.000 khán giả sẽ diễn ra tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn vào đêm 3/9, hứa hẹn mang đến khán giả các tiết mục nghệ thuật ấn tượng thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên, con người, nét đẹp văn hóa Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Định nói riêng.
Dịp này, ban tổ chức sẽ trưng bày 200 hình ảnh về vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam với chủ đề "Vẻ đẹp Việt Nam qua điện ảnh" và 100 hình ảnh trong các bộ phim đã quay tại tỉnh Bình Định; chiếu phim có bối cảnh quay đẹp tại Bình Định.
Dịp này, UBND tỉnh Bình Định cũng sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện các chương trình, như: Du lịch Việt Nam qua không gian ảnh; chương trình chiếu phim xúc tiến, quảng bá du lịch qua điện ảnh… Để thực hiện mục tiêu, Bình Định sẽ làm cầu nối giữa các nhà làm phim, nhà đầu tư, những người hoạt động trong lĩnh vực thể thao, văn hóa đưa ra những đề xuất và giải pháp hiệu quả.
Ban Tổ chức sẽ đưa các nhà biên kịch, sản xuất phim, đạo diễn, ngôi sao điện ảnh trong nước và quốc tế và cán bộ từ Viện phim Việt Nam, đến tham quan một số địa điểm, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, như: Bảo tàng Quang Trung, tháp Đôi, tháp Bánh Ít, Kỳ Co, Eo Gió... để gợi cảm hứng, gợi mở bối cảnh quay, những ý tưởng sáng tạo trong tác phẩm điện ảnh nhằm quảng bá điểm đến trong phim với khách trong nước và quốc tế.
Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết việc tổ chức chương trình du lịch, điện ảnh và thể thao - tự hào bản sắc Việt nhằm quảng bá danh lam thắng cảnh, điểm đến du lịch của Bình Định có bối cảnh phim và điểm du lịch của nơi diễn ra các sự kiện thể thao trong nước và quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng với bạn bè quốc tế thông qua các lĩnh vực du lịch, điện ảnh và thể thao.
Ðược mệnh danh là vùng “Ðất võ - Trời văn”, tài nguyên du lịch của Bình Ðịnh rất phong phú, đa dạng. Cùng với sự nỗ lực phát triển DL của tỉnh, Bình Ðịnh đang trở thành điểm đến mới của DL miền Trung, từng bước khẳng định thương hiệu và ngày càng thu hút nhiều du khách.
Trong mùa du lịch hè 2024, Bình Định đã tổ chức chuỗi du lịch hoành tráng, xuyên suốt 18 chương trình, hoạt động văn hóa, thể thao mang tầm vóc quốc gia và thế giới có chủ đề "Quy Nhơn - Thiên đường biển - Tỏa sáng và phát triển", gồm hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao, thương mại sôi nổi và hấp dẫn diễn ra xuyên suốt từ tháng 6 đến 8/2024: Giải bóng đá trên bàn Teqball thế giới năm 2024, giải bóng đá bãi biển vô địch quốc gia, giải vô địch trẻ Kickboxing toàn quốc năm 2024…
Nếu như trước năm 2015, du lịch Bình Định vẫn chỉ ở dạng tiềm năng đang chờ khai phá. Theo thời gian, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện tối đa cho việc đầu tư phát triển du lịch của lãnh đạo tỉnh; cùng sự đóng góp có hiệu quả của các ngành chức năng, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cùng nhân dân địa phương, du lịch Bình Định từng bước phát triển.
Việc đẩy mạnh quảng bá tiềm năng du lịch Bình Định trên các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên tham gia các sự kiện du lịch, các hội chợ du lịch lớn trong nước. Tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm mời gọi các dự án đầu tư du lịch lớn. Với những nỗ lực không ngừng cùng những lợi thế có sẵn đó, thiên đường du lịch Bình Định đã thực sự “tỉnh giấc” sau nhiều năm “ngủ quên”.