Gần đây sản phẩm viêm nang cứng cứng Kovir của Công ty Sao Thái Dương gây bức xúc tăng giá cao. Trên một số trang mạng thời gian trước cho thấy, viêm nang cứng Kovir được bán với giá 245.000 - 350.000 đồng/hộp 40 viên. Tuy nhiên, trong vài ngày gần đây sản phẩm tăng giá chóng mặt.
Thậm chí, ngày 19/7, tức là trước ngày Bộ Y tế ban hành công văn 5944, Công ty Cổ phần Sao Thái Dương ra văn bản thông báo giá bán viên nang cứng Kovir (2 vỉ x15 viên) là 1 triệu đồng/hộp, tăng nhiều lần so với giá cũ.
Kovir được quảng cáo là sản phẩm bổ sung kháng thể, tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc bệnh và triệu chứng bệnh do virus, vi khuẩn (đau mắt đỏ, sởi, thủy đậu, sốt phát ban, viêm đường hô hấp), cảm cúm.
Viên nang cứng KOVIR của Công ty Sao Thái Dương.
Hơn nữa, sản phẩm viên nang cứng Kovir cũng ra đời ngay trước thời điểm Bộ Y tế ban hành công văn về 12 loại thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ việc tăng giá bán để đầu cơ, ảnh hưởng tới người tiêu dùng.
Trả lời vấn đề trên, đại diện Công ty Cổ phần Sao Thái Dương cho biết, sản phẩm viên nang cứng Kovir giá 1 triệu đồng/hộp là sản phẩm của công ty mới ra lò vào tháng 7/2021. Đây cũng là sản phẩm khác với sản phẩm viên Kovir cũ.
Viên nang cứng Kovir được đưa ra thị trường tháng 7/2021 có thành phần khác với viên nang mềm trước đây. Cụ thể, viên nang cứng giá 1 triệu được chiết xuất từ Sài hổ, Phục Linh, Đẳng Sâm, Tiền hồ và các dược liệu quý.
Sản phẩm công dụng bổ sung kháng thể, tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc bệnh và triệu trứng bệnh, người bị cảm cúm do sức đề kháng kém, với các biểu hiện, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, đau họng…Dùng phù hợp với các bệnh sốt xuất huyết, sốt phát ban, đau mắt đỏ, thủy đậu, quai bị, VEB gây viêm đầu mặt cổ, HBV, HPV…
Còn viên nang mềm Kovir giá bán từ 250.000-350.000 đồng, thành phần từ dịch chiết tỏi, Sữa non của bò, Thăng ma, Bạch thược, Cam thảo; Cát căn; Kim ngân hoa Huyền sâm, Liên kiều. Cùng với đó là các phụ liệu (Gelatin, glycerin, sorbitol, Titandioxyt, lecithin, dầu cọ, sáp ong, vitamin E, Aspartam, Acid benzoic, phẩm màu CI food Brown 3 và Ponceau 4R (CI Food Red 7), Hương cam, vanilin, hương sữa bột, nipagin, Nipasol).
Thông báo giá bán sản phẩm của Công ty Sao Thái Dương.
Công dụng của viên nang mềm này là bổ sung kháng thể, tăng cường sức đề kháng; hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc bệnh và triệu chứng bệnh do virus, vi khuẩn ( đau mắt đỏ, sởi, thủy đậu, sốt phát ban, viêm đường hô hấp), cảm cúm…
"Người tiêu dùng có thể hiểu đơn giản rằng viêm nang mềm tác dụng phòng ngừa virus (dùng cho F1, F2...). Sản phẩm Kovir mới là viên nang cứng có tác dụng hỗ trợ điều trị triệu chứng bệnh do virus (F0). Chúng dành cho 2 đối tượng sử dụng khác nhau", vị đại diện này cho hay.
Trước đó, ngày 24/7, Bộ Y tế ban hành công văn 5944 về tăng cường phòng, chống bệnh dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu để góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong công văn Bộ Y tế liệt kê danh sách 12 loại thuốc cổ truyền, sản phẩm phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19, gồm sản phẩm Kovir của Công ty Sao Thái Dương.
Bộ Y tế yêu cầu căn cứ vào diễn biến lâm sàng của người bệnh, tùy mức độ mà sử dụng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng công bố 9 sản phẩm được liệt kê vào nhóm thuốc sát khuẩn không khí, thuốc xịt họng, sát khuẩn tay trong phòng COVID-19; 5 sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe.
Tuy nhiên, ngay khi công văn được ban hành đã nhận nhiều kiến trái chiều. Trước một số nội dung chưa phù hợp nên ngày 26/7, Bộ Y tế quyết định thu hồi công văn này.
PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, 12 sản phẩm được nêu trong công văn không phải là danh mục thuốc, sản phẩm chỉ định cho dự phòng, điều trị, mà đó chỉ là danh mục các sản phẩm do các đơn vị tài trợ, ủng hộ cho phòng dịch.
Các đơn vị sản xuất các sản phẩm trên đã và đang đồng hành, ủng hộ ngành Y tế và một số tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM... sử dụng hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng, mức độ nhẹ và vừa, cho các thầy thuốc tuyến đầu chống dịch và các F1 đang cách ly.
Tuy nhiên, sau khi công văn ban hành, đơn vị nhận thông tin phản ánh về một số nội dung chưa phù hợp, gây hiểu nhầm, có nguy cơ tích trữ, nâng giá bán làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch và tâm lý người dân.
“Chúng tôi đã rà soát lại nội dung. Với vai trò là cơ quan tham mưu, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền nhận thấy đây là sơ suất trong quá trình soạn thảo, tham mưu trình Lãnh đạo Bộ ban hành, dẫn đến một số nội dung chưa phù hợp, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng. Cục đã phối hợp với các Vụ/Cục liên quan rà soát, báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Bộ thực hiện thủ tục thu hồi công văn theo đúng quy định”, ông Thịnh nói.