Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bị sốt bao lâu mới cần xét nghiệm sốt xuất huyết?

(VTC News) -

Nhiều người thắc mắc nên xét nghiệm sốt xuất huyết khi nào để chẩn đoán bệnh tốt nhất.

Ngày 19/9, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho hay từ tháng 8 đến ngày 16/9, Hà Nội ghi nhận 4 ca tử vong vì sốt xuất huyết.

Riêng tuần qua (từ 10-16/9) thành phố ghi nhận 1 ca tử vong. Ba bệnh nhân tử vong trước đó ở quận Long Biên, huyện Đan Phượng và Thanh Trì. Theo Sở Y tế Hà Nội, hầu hết trường hợp đều được phát hiện bệnh muộn, đến viện muộn. Ngoài ra, họ có các bệnh lý nền kèm theo tương đối nặng như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường…

BSCKII. Nguyễn Thị Thảo, Phó trưởng Khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, theo chu kỳ hàng năm, dịch sốt xuất huyết xu hướng gia tăng vào mùa mưa. Dịch đạt đỉnh vào khoảng tháng 10 - 11.

Người mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue thường có các dấu hiệu là sốt cao 39 – 41 độ C, sốt đột ngột và liên tục 2 – 7 ngày. Xuất huyết như xuất hiện các chấm xuất huyết ở da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi ngoài ra máu, bầm tím chỗ tiêm...

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết ở BV Bạch Mai.

Ngày thứ 3 - 6, người bệnh hết sốt mà li bì hoặc bứt rứt, lạnh chân tay, tím môi, tiểu tiện ít, nguy cơ tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời. Đặc biệt, trẻ sốt cao liên tục trên hai ngày thì người nhà phải khẩn trương đưa trẻ đến các cơ sở khám chữa bệnh.

Do thời gian nguy hiểm nhất từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh, nên bác sĩ Thảo khuyến cáo nên cần xét nghiệm từ ngày thứ 3 của bệnh để chẩn đoán chính xác sốt xuất huyết hay không.

BS Thảo nêu những trường hợp cần nhập viện là mệt mỏi, đi khám giảm tiểu cầu. Người bệnh cũng cần nhập viện ngay nếu khi xét nghiệm tiểu cầu thấp dưới 30 g/L. Theo quy định mới nhất của Bộ Y tế năm 2019, người bị sốt xuất huyết cần truyền tiểu cầu khi số lượng tiểu cầu dưới 50 g/L và xuất hiện các triệu chứng xuất huyết.

Người bệnh không có triệu chứng xuất huyết lâm sàng, tiểu cầu dưới 5 g/L thì mới cần truyền tiểu cầu. Nguyên nhân, khi tiểu cầu giảm người bệnh có các biểu hiện như xuất huyết dưới da, niêm mạc (chảy máu cam, răng  miệng, vị trí nơi tiêm truyền…). Nghiêm trọng hơn là người bệnh chảy máu trong: đau bụng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, rong kinh…

Khi bị sốt xuất huyết, bác sĩ Thảo khuyến cáo bệnh nhân cần tăng cường dinh dưỡng, nhất là nhu cầu về protein phải cao hơn. Người bệnh nên dùng Protein có giá trị sinh học cao: trứng, sữa, thịt, cá.

Chất béo và bột đường cũng là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu, tăng tỉ lệ đường đơn, đôi (nước đường, nước trái cây) và lipid thực vật.

Ngoài ra, bệnh nhân cần uống đủ nước, giàu sinh tố và muối khoáng: nước trái cây, rau quả, mật ong. Người bệnh cũng cần chia nhỏ làm nhiều bữa trong ngày (trẻ em: 6-8 bữa/ngày, người lớn 4- 6 bữa/ngày). Thực phẩm ưu tiên là thực phẩm mềm, lỏng, nhiều nước, không màu như sữa, bột cháo mì, phở.

Ngọc Hà

Tin mới