Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bị nêu chưa làm 'nghiêm' chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương phản hồi gì?

(VTC News) -

Theo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về kiểm tra nguồn cung lúa gạo.

Tại văn bản gửi Bộ Công Thương ngày 10/4, Bộ Tài chính cho rằng, những phương án điều hành của Bộ Công Thương đang khiến các doanh nghiệp rơi vào tình thế bị động và Bộ này cũng chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về kiểm tra nguồn cung lúa gạo.

Bộ Tài Chính đề nghị Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì xây dựng lộ trình hợp lý để thực hiện xuất khẩu gạo của những hợp đồng đã ký từ tháng 6/2020 đến tháng 12/2020 phù hợp với diễn biến dịch ở Việt Nam và thế giới, phù hợp với an ninh lương thực trong bối cảnh khả năng diễn ra khủng hoảng kinh tế sau đại dịch.

Theo Bộ Tài Chính, doanh nghiệp rất bị động trong quyết định phương án kinh doanh, thậm chí có thể phải đền bù hợp đồng do không còn số lượng gạo được xuất khẩu trước phương án điều hành được nêu trong dự thảo của Bộ Công Thương.

Văn bản cũng nêu rõ: "Bộ Công Thương chủ trì chỉ thực hiện một cuộc họp trong nửa ngày. Thực chất chưa phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng".

Xuất khẩu lúa gạo đang là một vấn đề "nóng" những ngày qua.

Phản hồi ý kiến của Bộ Tài chính, ngày 15/4, Bộ Công Thương có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, yêu cầu Bộ Tài Chính công bố công khai danh sách các thương nhân đã đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4/2020. Danh sách cụ thể gồm tên, số lượng, thị trường xuất khẩu, cảng/cửa khẩu xuất khẩu... đến thời điểm hiện nay.

Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính cung cấp số liệu xuất khẩu gạo, gửi về Bộ Công Thương trước 17h hàng ngày, thực hiện từ nay đến hết ngày 25/4; đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ý kiến về việc gạo nếp có tính trong lượng gạo dự trữ phục vụ an ninh lương thực quốc gia hay không?

Cùng với đó, Bộ Công Thương đề nghị hai Bộ trên đánh giá tác động, ảnh hưởng của gạo nếp trồng tại tỉnh Long An và tỉnh An Giang đối với an ninh lương thực quốc gia. Để kịp thời báo cáo Thủ tướng, Bộ Công Thương đề nghị hai bộ gửi văn bản tham gia ý kiến trước ngày 16/4.

Trước những ý kiến của Bộ Tài Chính cũng như phản ánh của doanh nghiệp, cũng trong ngày 15/4,  Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu hai Bộ Công Thương, Tài chính báo cáo Thủ tướng một số nội dung “nóng" liên quan đến việc xuất khẩu gạo trước ngày 18/4.

Tổng cục Hải quan mới đây công khai tên của 4 doanh nghiệp trúng thầu đấu thầu bán gạo cho các Cục Dự trữ gạo Nhà nước song bùng hợp đồng nhưng có tên trong danh sách các doanh nghiệp mở tờ khai hải quan xuất khẩu hàng chục nghìn tấn gạo.

Về những vấn đề liên quan đến xuất khẩu gạo, hiện Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu báo cáo nội bộ, nếu phát hiện tiêu cực sẽ xử lý nghiêm, không dung túng, bao che.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) cũng cho biết đến hết ngày 8/4, trong tổng số 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia do Thủ tướng giao, đã có 178.000 tấn gạo có nhà thầu trúng. Tuy nhiên, cơ quan này mới chỉ ký được hợp đồng 7.700 tấn gạo. Số gạo các nhà thầu từ chối ký hợp đồng là 170.300 tấn.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã báo cáo Bộ Tài chính cho tổ chức đấu thầu lại đối với số lượng 182.300 tấn gạo để bảo đảm đủ chỉ tiêu 190.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia.

LAN HƯƠNG

Tin mới