(VTC News) - Nơi đây núi rừng trùng điệp, khe suối dọc ngang, đường lối hiểm hóc, lam chướng nặng nề.
Kỳ 4: Đi tìm ngôi miếu cổ thờ thần hổ bên bờ suối Vó Ấm
Chuyện về thần hổ và ma trành của nhà văn Đái Đức Tuấn diễn ra xung quanh ba địa danh: đèo Ba Dội, đèo Ô Quy Hồ và vùng rừng huyện Thạch Thành. Nhưng dường như Đái Đức Tuấn ưu ái dành nhiều bút lực và tâm huyết hơn cho Thạch Thành.
Một phần sự thực có lẽ là do Thạch Thành thời đó quá hoang vu, bí hiểm trong con mắt nhà văn. Cũng có thể do nhà văn gắn bó nhiều với mảnh đất này, am hiểu phong tục tập quán của nhân dân địa phương mà tỏ tường nhiều câu chuyện lạ.
Hãy xem các sử quan triều Nguyễn chép gì về Thạch Thành vào đầu thế kỷ trước (khoảng năm 1910), trong sách Đại Nam nhất thống chí:
“Huyện Thạch Thành: Nơi đây núi rừng trùng điệp, khe suối dọc ngang, đường lối hiểm hóc, lam chướng nặng nề. Rừng núi nhiều mà đồng bằng ít, cư dân phần nhiều lập trại dưới chân núi, làm nhà sàn để ở. Xã lớn 30, 20 nóc nhà, xã nhỏ chỉ độ mươi nóc nhà”.
Tương tự là huyện Quảng Tế, phần đất phía tây huyện Thạch Thành mà sau này sáp nhập lại thành một huyện: “Đường đi hiểm trở mà lam chướng nặng. Đất ruộng sâu trũng, thường bị lũ lụt. Dân cư ở đất bằng chỉ độ hai ba xã, ngoài ra đều làm nhà sàn để ở”.
Quang cảnh khu miếu thờ thần hổ |
Không phải ngẫu nhiên mà những ông quan tri huyện Thạch Thành bất kể thời đại nào cũng được TchyA dành những lời trang trọng, trìu mến để miêu tả. Người thì nhiệt tâm lo trừ nạn hổ cho dân, dốc hết tâm huyết, mưu lược, tiền của mà gìn giữ giọt máu cuối cùng cho một thuộc hạ đang bị thần hổ trở về báo thù khốc liệt.
Hay là ông quan tri huyện xa hơn, nửa đêm đến sáng ngồi chờ xem những sự lạ kinh người (ma trành hóa thân thành con chuột dăm lần bảy lượt tìm mọi cách đặt chiếc lá lên mặt anh lính dõng, chỉ lối cho thần hổ hại người này), để tìm cách khuyên anh giữ mình, tránh nạn hổ vồ trên đèo Ba Dội.
Cha của nhà văn Đái Đức Tuấn có thời gian dài làm tri huyện ở Thạch Thành, sau được thăng lên làm tri phủ. Vị quan thanh liêm và thâm nho này gặp thời buổi nhiễu nhương, bèn từ quan về quê nhà ở huyện Quảng Xương mở trường dạy học. Ông Tuấn được cha trực tiếp rèn dũa nghiêm khắc cả về nhân cách và kiến thức ngay từ ngày nhỏ.
Non nửa ngày rong ruổi, sau nhiều lần hỏi thăm đường, chúng tôi cũng tìm được ngôi đền thờ thần hổ, nằm trên đất Thành Yên, một xã vùng sâu xa nhất của huyện Thạch Thành. Ngôi đền nằm cách hang Con Moong, di chỉ khảo cổ học đặc biệt quan trọng của nước ta, chừng 3km.
Thạch Thành bây giờ không còn là nơi ma thiêng nước độc như thuở trước, nhưng nhớ lại lần chạy trốn cơn mưa rừng lúc nhập nhoạng tối suốt một dải các xã phía tây của huyện, bên sườn của hệ thống núi Pù Luông – Cúc Phương cũng khiến chúng tôi thực sự ái ngại.
Buổi tối, nhà dân thường đóng cửa sớm. Bóng điện le lói mờ tỏ, con đường vẫn hun hút trước mắt, các mái nhà thẫm dần trong bóng núi cao thâm u. Dễ hiểu, mấy mươi năm trước, giữa ban ngày hổ còn ngồi sừng sững chắn giữa đường đi, đến mức người ta phải lấy hỏa pháo ném vào lưng thì hổ mới giật mình lồng lên chạy tót vào rừng.
Nhờ cậu thiếu sinh quân mới về quê nghỉ hè là Đinh Đức Đạt dẫn lối, chúng tôi đi bộ theo con đường đất núi, vượt qua con suối lớn để tiến vào chân núi. Còn đang mải miết nhìn trước sau, dự đoán xem ngôi miếu nằm ở đâu trong dãy núi đá hũng vĩ trước mặt, thì Đạt chỉ vào một lùm cây xanh um bên bờ suối, nói: “Đến rồi đấy”.
Suối Cô Tiên, mùa đông nước rất ấm nên còn gọi là Vó Ấm |
Chúng tôi thận trọng dận chân lên lối cỏ rậm rạp phủ đầy lá khô, tiến về ngôi miếu nhỏ, dường như mới được xây cất lại gần đây. Bốn bề vắng lặng, không nghe thấy tiếng chim kêu gió thổi, chỉ có tiếng chảy róc rách từ con suối trong xanh nhìn rõ mồn một đáy nước. Trong miếu có sẵn đèn hương, nên chúng tôi lặng lẽ thắp thêm vài nén.
Bên sát mép nước, dưới gốc cây sở cổ thụ cành lá tươi tốt có một bệ thờ nhỏ rêu phong cổ kính, chắc đã được đặt từ lâu lắm. Tôi để ý nhìn xung quanh, không thấy bóng dáng một tượng thần hổ nào, như ban thờ thần hổ trên đỉnh đèo Ba Dội.
Chỉ lên cây sở cổ thụ, Đạt bảo: “Trước, em hay trèo cây này, ngã suốt. Cứ trèo lên là ngã. Ông em bảo đó là do các cụ quở đấy, cây thiêng này không phải chỗ để trèo. Con suối này quanh vùng không ai dám xuống tắm đâu, vì sợ bị ốm.
Em thì tắm suốt, vì được ông nội xin hộ cho. Mùa đông nước rất ấm, mùa hè thì mát lạnh. Tắm xong mọi mệt nhọc đều tiêu tan. Chỗ này cũng là đầu nguồn con suối, chui ra từ một hầm đá rất lớn, không rõ nguồn gốc bắt đầu từ đâu”.
Nơi thờ thần hổ, dưới gốc cây sở cổ thụ |
Quả thật, vạch lớp cỏ ra, nhìn thấy rõ một hầm đá lớn như căn phòng, nước tuôn ra không ngớt. Nền đá rất cứng, những miếng đá vôi mảnh có cảm tưởng như đập mạnh là vỡ, nhưng vẫn trơ trơ. Từ đây, con suối mở rộng một vùng nước lan tràn tưới tắm cho khắp một vùng dân cư của bản Yên Sơn và xã Thành Yên.
“Vườn tược, cây cối, nhà cửa xung quanh ngôi miếu cổ này đều là của gia đình em cũ. Sau này, do đêm đến, người nhà luôn thấy những chuyện như hoang đường, khủng khiếp, nên ông em quyết định dời nhà đi. Mỗi tháng hai lần, dường chỉ có ông em đến miếu hương khói cúng tế, sì sụp đến chảy nước mắt” – Đinh Đức Đạt nói thêm.
Đang ngồi dưới gốc cây cổ thụ có ngôi cổ miếu, bỗng trời đất tối sầm, gió thổi bụi tung mù mịt. Cơn mưa rừng ầm ầm đổ xuống, nhanh chóng và khốc liệt đến không ngờ…
Còn tiếp...
Gia Linh