Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Báu vật ở bản Mông

Tới giờ, những người cao niên ở xã Hoàng Thu Phố vẫn kể cho con cháu về loài cây đã gắn bó với những biến thiên của làng bản dù không ai nhớ rõ gốc tích.

Chỉ biết rằng, khi họ sinh ra đã thấy cây bám chặt đất, phủ xanh những vạt rừng, góc đồi cạnh nhà, hiên ngang mặc mưa nắng. Nhiều người nói rằng đó là báu vật mà đất trời ban tặng, được bao đời người Mông gìn giữ giữa biếc xanh đại ngàn.

Về miền chè cổ

Cách trụ sở UBND xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai) không xa có tấm biển chỉ lối đến vườn chè cổ thụ, theo chỉ dẫn ấy chúng tôi lên đường. Dọc đường đi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Thu Phố Chấu Seo Phử kể: Ngày còn nhỏ, tôi hay qua chơi thấy những đồi chè cổ thụ xanh ngút ngàn như không có điểm dừng, hòa cùng màu của rừng núi. Trong câu chuyện của mỗi người con ở bản Mông, cây chè có trước khi họ sinh ra, chứng kiến họ trải qua trọn kiếp người mà cây vẫn “bất tử”. Một loài cây kỳ lạ, rẽ đất, tách đá trên mảnh đất nghèo mà sống bền bỉ qua hàng trăm năm.

Những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi được xem là báu vật ở bản Mông.

Khi câu chuyện của anh Phử còn dang dở, chúng tôi đã tới thôn Chồ Chải. Hỏi vườn chè cổ, người dân chỉ ngay đường tới vườn chè của gia đình ông Hàng Seo Mào, hộ còn giữ nhiều gốc chè cổ thụ nhất xã. Bước qua cánh cổng, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác, ngút ngàn màu xanh, không khí mát mẻ, trong lành.

Ông Hàng Seo Mào là đời thứ 5 trong gia đình được trao việc chăm sóc những gốc chè cổ thụ. Khu vườn chè cổ thoai thoải, từ điểm cao phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy cây chè xếp tầng, xếp lớp. Vườn chè của gia đình ông Mào có khoảng 700 gốc. Ông Mào chỉ cho chúng tôi xem những cây chè có tuổi đời vài trăm năm. Có cây chè già, cao trên 10 mét, gốc to nhất vườn, dáng như cổ thụ sừng sững. Bên góc vườn có một cây chè đột biến, búp chè màu ánh đỏ.

Chính quyền địa phương và người dân quân tâm chăm sóc, bảo tồn giống chè quý.

Thôn người Mông Chồ Chải hiện là vùng chè cổ thụ lớn nhất, tập trung nhất của xã Hoàng Thu Phố. Theo trưởng thôn Vàng Seo Của, hiện diện tích chè cổ thụ của thôn chừng 2 ha, với trên 20 hộ còn giữ những gốc chè quý, trong đó có 2 hộ là Hàng Seo Mào và Hàng Seo Chua có vườn chè tập trung, số lượng lớn, các hộ còn lại chỉ rải rác, thưa thớt. Không giống như những cây chè chốn khác, chè cổ thụ ở Hoàng Thu Phố không mang nhiều dáng vẻ uốn lượn, cây phần lớn vươn thẳng, tán to xanh tốt. 

Mùa đất tỏa hương

Trước đây, cũng như những hộ khác trong thôn, việc thu hái và bán chè cổ thụ chưa được gia đình ông Hàng Seo Mào xem như một hướng phát triển kinh tế, cây chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình. Việc gìn giữ cây chè xuất phát từ những lời trao truyền, dạy bảo của đời trước tới đời sau rằng không được làm mất giống cây quý. Bởi vậy, dù sở hữu “kho vàng xanh” nhưng người Mông nơi này chưa biết cách để khai thác mà loay hoay, phân vân giữa việc giữ hay bỏ. Cách đây vài chục năm, vùng chè cổ thụ ở Hoàng Thu Phố bị bỏ không, lẫn cùng tầm gửi, cỏ tạp. Thậm chí sau này, nhiều gốc chè đã bị chặt bỏ để lấy chỗ cho những cây trồng khác, một số ít thì bị gia súc phá, lâu ngày rồi chết khô. Vùng chè ngày càng thu hẹp và chỉ còn một phần ít ỏi.

Một số người Mông nơi này khuyên rằng, nếu về vùng chè cổ, hãy tìm về vào cuối tháng Tư. Khi đó, trải qua bao tháng ngày phơi nắng, hứng sương, những búp chè vụ xuân trong năm sẽ “nhả” hương thơm mát. Mùi hương thanh mát, dịu nhẹ ấy thấm vào đất, quyện vào nước, theo chiều gió bay xa.

Giữa tháng 5 vụ chè xuân kết thúc, nghỉ một thời gian lại bước vào vụ thu hái hè kéo dài từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8, rồi sau đó là quãng nghỉ để dưỡng cây cho vụ thu hái năm sau. Qua hàng thế kỷ, cây chè ở Hoàng Thu Phố được “mẹ đất giữ gốc, cha trời cho mưa” mà vươn lên xanh tốt, chắt chiu những ngọt lành để làm nên hương vị của một loại chè chẳng nơi nào có được, với dư vị thơm mát, ngọt dịu, lâu tan.

Vài năm trở lại đây, giá trị kinh tế của cây chè được “đánh thức”. Sản phẩm chế biến từ chè cổ thụ ngày càng được ưa chuộng trên thị trường, các hộ bắt đầu cải tạo vườn, chăm sóc những gốc chè quý và thu hái, bán ra thị trường với giá cao, có thời điểm lên đến 40.000 đồng/kg chè búp tươi. Chè cổ thụ ở xã Hoàng Thu Phố tập trung nhiều nhất ở thôn Chồ Chải, tiếp đó là Hoàng Hạ. Cùng với việc chăm sóc những gốc chè hiện có, một số hộ dân bắt đầu ươm giống từ những hạt chè cổ, thắp lại hy vọng về lãnh địa chè từng có ở đây.

Khai thác phát triển du lịch ở vùng chè cổ được chính quyền xã quan tâm.

Gia đình ông Mào là hộ duy nhất đến thời điểm này được Công ty Cổ phần năng lượng Bắc Hà ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm với thời hạn lên đến 10 năm, kể từ năm 2021 bởi lợi thế vườn chè tập trung, chất lượng tốt. 

Phó Bí thư Chấu Seo Phử cho hay: Việc quan tâm, chăm sóc và mở hướng phát triển kinh tế hiệu quả từ cây chè cổ thụ được xã đặc biệt quan tâm, đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn, chăm sóc diện tích chè hiện có, xã có chủ trương lồng ghép hoạt động du lịch tại vùng chè cổ, nhưng trên hết vẫn phải đảm bảo các điều kiện để không ảnh hưởng tới sự phát triển và chất lượng chè cổ thụ.

Dịp lễ hội đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà năm 2022,  đã có những đoàn du khách đầu tiên tới tham quan vườn chè cổ. Dù mới bước đầu được thực hiện và còn sớm để đánh giá, tuy nhiên, địa phương kỳ vọng hoạt động này sẽ góp phần bảo tồn, phát triển để báu vật hàng trăm năm tuổi bền vững với thời gian.

Nguồn: Báo Lào Cai

Tin mới