Ngày 15/3/1962, cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy tuyên bố trong một bài phát biểu tại Thượng viện Mỹ rằng: “Người tiêu dùng bao gồm tất cả chúng ta, đây là nhóm đối tượng lớn nhất trong nền kinh tế, tương tác với hầu hết các quyết định kinh tế. Tuy nhiên, dù quan trọng như thế, nhưng ý kiến và quan điểm của người tiêu dùng lại không được lắng nghe”. Cũng trong bài phát biểu này, cố Tổng thống John J. Kennedy chỉ ra 04 quyền cơ bản của người tiêu dùng, đó là quyền được an toàn, quyền được cung cấp thông tin, quyền được lựa chọn hàng hoá, dịch vụ và quyền được lắng nghe, góp ý.
Năm 1985, nội dung về quyền của người tiêu dùng được Liên hợp quốc (United Nations – UN) công nhận và mở rộng ra thành 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng trong tài liệu Hướng dẫn của Liên hợp quốc về Bảo vệ người tiêu dùng (United Nations Guidelines on Consumer Protection).
Sau đó, Tổ chức Người tiêu dùng quốc tế (Consumer International – CI) bắt đầu công nhận ngày 15/3 là Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới, hàng năm tổ chức sự kiện này với mục tiêu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các quốc gia.
Trang web của CI về sự kiện Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới.
Hàng năm, CI chọn một chủ đề khác nhau cho Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới. Chủ đề năm 2020 nhằm mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự liên quan giữa tiêu dùng và các sự cố về môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Quá trình hưởng ứng tại Việt Nam
Kể từ khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng chính thức có hiệu lực thi hành, từ năm 2011 – 2015, vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới, Bộ Công Thương có những hoạt động hưởng ứng mạnh mẽ và sâu rộng, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Tình hình hưởng ứng Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới tại Việt Nam từ năm 2011 – 2015.
Ngày 10/7/2015, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, theo đó lấy ngày 15/3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
Quyết định 1035/QĐ-TTg nêu rõ việc công nhận Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và nền kinh tế đất nước; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo cơ sở để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác này; góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, giữ ổn định và tạo động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế đất nước.
Sự kiện Lễ Công bố Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (năm 2016).
“Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" mang ý nghĩa quan trọng, được tổ chức hàng năm với chủ đề khác nhau cùng với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua nhiều hình thức, phương tiện truyền thông từ Trung ương đến địa phương các cấp được tổ chức nhằm đưa Luật và các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến với mọi đối tượng. Bên cạnh đó, sự kiện này giúp định hướng, xác định trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp đối với sản phẩm, hàng hóa dịch vụ cung ứng của mình theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
Bên cạnh đó, ngày 15/3 cũng góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh, ý thức chủ động bảo vệ bản thân của người tiêu dùng khi tham gia các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời phát huy sức mạnh, khuyến khích, động viên sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng,... qua đó, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh, kích thích tiêu dùng và thúc đẩy kinh tế phát triển.
Các quyền của người tiêu dùng (nguồn: Internet)
Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam
Những năm qua, Bộ Công Thương triển khai các hoạt động công bố và hưởng ứng sôi nổi sự kiện này, đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ các doanh nghiệp cũng như nâng cao nhận thức của mọi chủ thể trong nền kinh tế về pháp luật bảo vệ người tiêu dùng.
Từ năm 2016, số lượng các tỉnh/thành tổ chức các hoạt động hưởng ứng tăng lên nhiều so với những năm trước, có năm đạt 62/63 tỉnh/thành.
Tình hình hưởng ứng Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới tại Việt Nam từ năm 2016 – 2019
Đặc biệt, sự kiện này còn thu hút được sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp qua hình thức cam kết thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: xây dựng tổng đài tiếp nhận phản ánh khiếu nại của người tiêu dùng, thực hiện các chương trình, tháng hành động tri ân người tiêu dùng, tổ chức tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ người tiêu dùng…
Bên cạnh đó, các hình thức trao giải, khen thưởng nhằm tôn vinh tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác bảo vệ người tiêu dùng cũng được thực hiện rất tích cực, từ đó gia tăng quyền lợi cho người tiêu dùng và đẩy mạnh hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Với tiêu chí tổ chức các hoạt động hướng tới người tiêu dùng, lấy trọng tâm là người tiêu dùng, các hoạt động lớn được tổ chức vào dịp này như Tuần lễ tri ân, Ngày hội sản phẩm, hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống dịch vụ và cửa hàng cung ứng sản phẩm.
Các doanh nghiệp ký kết Chương trình Doanh nghiệp hành động vì người tiêu dùng 2017.
Năm 2020, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, các giao dịch thương mại điện tử có chiều hướng gia tăng, đồng thời xuất hiện nhiều vấn đề về bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực này, Bộ Công Thương lựa chọn chủ đề “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử” cho sự kiện Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020.
Sự kiện nhằm hướng tới người tiêu dùng có thói quen mua hàng trực tuyến, các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến và các chủ thể liên quan (doanh nghiệp bán hàng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát…).
Ngoài các hoạt động nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến, nhằm thực hiện hiệu quả công tác này, Bộ Công Thương cũng xúc tiến hình thức ký cam kết bảo vệ người tiêu dùng giữa các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử. Sự kiện này được đánh giá là cột mốc đánh dấu cho công tác bảo vệ người tiêu dùng trong thời kỳ số, giúp nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật trong một lĩnh vực đang phát triển rất mạnh mẽ, đó là thương mại điện tử.