(VTC News) - Các hợp chất I3C và sulforaphane trong cải bắp đã được chứng minh là làm tăng tác dụng chống ung thư của loại thuốc hóa trị Taxol.
Bắp cải giúp giảm các bệnh về tim mạch. |
Theo Đông y, cải bắp vị ngọt, tính hàn, không độc, có tác dụng hòa huyết, thanh nhiệt, thanh phế, trừ đàm thấp, sinh tân, chỉ khát, mát dạ dày, giải độc, lợi tiểu. Cải bắp cũng giúp chống suy nhược thần kinh, giảm đau nhức phòng chống các bệnh ung thư, tim mạch và nhiều loại bệnh khác.
Chữa ho đờm
Trong bắp cải có chứa nhiều sulphur có tác dụng làm giảm ho đờm. Chất này sẽ giúp phân cắt đờm và làm lỏng đờm. Do đó đường thở của bạn trở nên rất dễ chịu.
Dùng 80-100g cải bắp, nửa lít nước, sắc còn 1/3, cho thêm mật ong uống trong ngày, kết hợp ăn bắp cải sống.
Phòng ung thư vú
Nghiên cứu mới nhất của nhà khoa học Mỹ cho thấy, phụ nữ mỗi tuần ăn 2 – 3 lần rau bắp cải dưới dạng luộc, ăn sống, sẽ làm giảm nguy cơ ung thư vú 20% so với những người chỉ ăn loại rau này vài lần/tháng. Lý do, trong rau bắp cải còn chứa hoạt chất indol có tác dụng phòng chống ung thư vú.
Trị đau họng
Khi bị đau họng, uống hỗn hợp nước bắp cải và củ cải cho thêm chút mật ong nửa giờ trước bữa ăn. Bạn sẽ thấy tác dụng nhanh chóng.
Trị đau khớp
Khi bị đau nhức, lấy lá bắp cải hơ nóng rồi đắp lên chỗ đau. Mỗi chỗ đau đắp 3-4 miếng bắp cải, rồi dùng vải buộc lại. Làm vài lần, chỗ đau sẽ hết.
Chống béo phì
Cải bắp có tác dụng ngăn glucid chuyển hóa thành lipid, một trong những nguyên nhân gây béo phì…
Giảm các bệnh tim mạch
Cải bắp có tác dụng hạ cholesterol trong máu, giảm nguy cơ vữa xơ mạch máu, thiểu năng mạch vành, nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.
Ngăn ngừa sự phát triển bệnh ung thư
Bắp cải chứa một số chất có thuộc tình ngăn ngừa bệnh ung thư như lupeol, sinigrin, diindolylmethane (DIM), indole-3-carbinol (I3C) và sulforaphane. Những loại chất này giúp tăng cường enzyme và ức chế sự phát triển của khối u. Các hợp chất I3C và sulforaphane trong cải bắp đã được chứng minh là làm tăng tác dụng chống ung thư của loại thuốc hóa trị Taxol.
Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng
Bắp cải là một trong những phương thuốc tự nhiên giúp điều trị viêm loét dạ dày tá tràng. Một nghiên cứu của trường Đại học Y Stanford đã chứng minh nước ép rau bắp cải rất hiệu quả trong việc chữa trị viêm loét dạ dày tá tràng. Đặc tính chống loét có trong cải bắp là nhờ lượng glutamine cao có trong loại rau này.
Chữa táo bón
Nếu bạn đang bị chứng táo bón hành hạ thì hãy bổ sung rau bắp cải vào chế độ ăn hàng ngày. Bắp cải rất nhiều chất xơ, một loại chất đặc biệt tốt cho hệ tiêu hóa. Vì vậy mà bắp cải là loại thực phẩm trị chứng táo bón hiệu quả.
Giảm rối loạn mỡ máu
Bắp cải có thể giúp bạn điều hòa lượng mỡ trong máu, giảm nồng độ cholesterol, giảm hàm lượng LDL. Do đó bắp cải có tác dụng phòng ngừa các bệnh liên quan đến chứng rối loạn mỡ máu gây ra như gan nhiễm mỡ, vữa xơ động mạch...
Chất xơ trong bắp cải có khả năng liên kết với acid mật, làm giảm sự gắn kết acid mật với cholesterol. Thiếu acid mật, cholesterol không thể hấp thu vào trong ruột nên giảm nồng độ mỡ máu. Để phát huy được tối đa tác dụng, bạn nên ăn bắp cải dạng sinh tố hoặc là ăn dạng hấp, luộc. Không nên ăn dạng hầm hay xào.
Giảm cân
Bắp cải là sự lựa chọn tuyệt vời đối với những người đang giảm cân. Một chén cải bắp nấu chín chỉ chứa 33 calo. Chính vì vậy, mà bạn có thể ăn thật nhiều cải bắp để tránh cảm giác đói. Ăn cải bắp vừa giúp bạn không tăng cân lại vừa giúp bạn tránh tình trạng thiếu chất.
Những đối tượng nên tránh xa bắp cải
Người bị rối loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ không nên ăn bắp cải vì trong cải bắp có chứa một hàm lượng nhỏ goitrin, chất này có tác dụng chống ôxy hóa nhưng lại có thể gây bướu cổ. Vì vậy nếu ăn nhiều sẽ làm tuyến giáp hoặc bướu cổ phù to ra.
Người tạng hàn phải dùng bắp cải phối hợp với gừng tươi.
Những người suy thận nặng, phải chạy thận nhân tạo cũng không nên dùng bắp cải.
Đối với người táo bón, tiểu ít thì không nên ăn bắp cải sống hoặc dưa bắp cải muối mà phải nấu chín.
An Nhiên (Tổng hợp)