Theo TASS, các đơn vị đầu tiên của lực lượng gìn giữ hòa bình thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) dẫn đầu bởi Nga đã được triển khai đến Kazakhstan trong ngày 6/1 bằng một cầu hàng không đặc biệt. CSTO này được cho sẽ hỗ trợ chính quyền Nursultan đối phó với các cuộc bạo loạn đang diễn ra trên khắp Kazakhstan.
Còn theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga, một số đơn vị thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB) CSTO đã được triển khai tới Kazakhstan bằng máy bay vận tải quân sự, theo lời đề nghị của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev sau khi các cuộc bạo loạn ở quốc gia Trung Á này dẫn trở nên mất kiểm soát.
Video: Một đơn vị thiết giáp thuộc lực lượng đổ bộ đường không Nga được triển khai đến Kazakhstan
Căn cứ Nga ở Kazakhstan
Nga được cho là đã điều động các đơn vị thuộc sư đoàn đổ bộ đường không số 76, lữ đoàn đặc nhiệm Spetsnaz số 45, lữ đoàn kỹ thuật cận vệ số 11 tham gia vào lực lượng GGHB của CSTP sẽ triển khai ở Kazakhstan.
Quyết định triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Kazakhstan được Hội đồng an ninh tập thể của CSTO thông qua ngay trong ngày 6/1. Các quốc gia tham gia vào lực lượng này gồm có Nga, Belarus , Armenia, Tajikistan và Kyrgyzstan.
Theo tờ Svpressa phân tích, Nga không thể tiếp tục thờ ơ khi chính quyền trung ương Nursultan không còn kiểm soát được tình hình, lực lượng an ninh Kazakhstan phản ứng yếu ớt trước các cuộc bạo loạn ngày một lan rộng.
Việc Nga gấp rút đưa quân đến Kazakhstan cho thấy rõ Moskva muốn bảo đảm an toàn cho các căn cứ của họ. Hầu hết các cơ sở quân sự này đều quan trọng đối với Nga và chúng cần được bảo vệ trước đám đông quá khích cũng như chống thất thoát các công nghệ tối mật từ đây ra bên ngoài. Điển hình như trường hợp sân bay vũ trụ Baikonur.
Cần phải nói thêm rằng Nga có một loạt căn cứ quân sự quy mô lớn ở Kazakhstan. Đứng đầu trong số này là sân bay vũ trụ quốc gia số 5 ở vùng Baikonur, một trung đoàn vận tải hàng không ở Kostanay, một đơn vị kỹ thuật vô tuyến tại căn cứ không quân Sary-Shagan (Priozersk), cũng như một số cơ sở thử nghiệm hàng không cấp nhà nước khác. Ngoài ra Moskva cũng triển khai một số hệ thống phòng thủ tên lửa và cơ sở thử nghiệm tên lửa đạn đạo gần Novaya Kazanka.
Sân bay vũ trụ Baikonur là một trong những mục tiêu cần được bảo vệ hàng đầu khi lực lượng CSTO tiến vào Kazakhstan. (Ảnh: The Astana Times)
Về cơ bản các cơ sở trên không thể được gọi là căn cứ quân sự theo đúng nghĩa khi hầu hết đều là các đơn vị kỹ thuật và không duy trì lực lượng chiến đấu. Đảm bảo an ninh cho chúng chỉ là một số ít binh sĩ Nga và sự hỗ trợ từ quân đội Kazakhstan. Trong trường hợp các phần tử cực đoan tấn công vào những cơ sở này lực lượng tại chỗ của Nga sẽ không thể chống đỡ.
Trong bối cảnh lực lượng an ninh và cả quân đội Kazakhstan đều gần như tê liệt trước các cuộc bạo loạn, vấn đề bảo vệ các căn cứ ở Kazakhstan trở thành bài toán khó đối với Moskva khi họ không có đủ số quân cần thiệt trên thực địa. Các phần tử cực đoan với sự hỗ trợ từ một số đơn vị thuộc quân đội đã đứng sang phe nổi dậy hoàn toàn có thể tấn công và chiếm giữ các cơ sở của Nga.
Dĩ nhiên Moskva đã có phản ứng kịp thời trước mối đe dọa này khi quyết định triển khai nhanh các đơn vị đổ bộ đường không và đặc nhiệm đến Kazakhstan chỉ vài giờ sau khi CSTO thông qua kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình.
Được biết Nga hiện là quốc gia đầu tiên triển khai quân đến Kazakhstan trong khi các nước khác vẫn đang chuẩn bị. Mục tiêu Moskva sẽ đặt ra rõ ràng là bảo vệ các căn cứ quân sự của nước này trước các cuộc bạo loạn.
Có báo cáo thấy Moskva đang cử lực lượng lính đánh thuê đến bảo vệ sân bay vũ trụ Baikonur trước đó nhưng sự tham gia của quân đội Nga sẽ mang đến lợi thế lớn khi lực lượng này có thể phản ứng nhanh và đủ khả năng đối phó với mọi tình huống.
Một số nguồn tin của Svpressa cho biết, trong khi quyết định đưa quân đến Kazakhstan của CSTO còn chưa ráo mực, các máy bay vận tải quân sự Nga chở theo hàng trăm lính dù và đặc nhiệm đã được lệnh cất cánh. Hiện vẫn chưa rõ lực lượng Nga đang được triển khai ở đâu sau khi đến Kazakhstan.
Lực lượng CSTO chỉ đóng vai trò hỗ trợ, nhiệm vụ trấn áp các cuộc bạo loạn là thuộc về quân đội Kazakhstan. (Ảnh: TASS)
Nhiệm vụ của CSTO
Có một điều chắc chắn rằng lực lượng GGHB CSTO sẽ không tham gia vào việc trấn áp các cuộc bạo loạn trên đường phố, đây là nhiệm vụ của lực lượng an ninh và quân đội Kazakhstan. CSTO chỉ đảm nhận việc bảo vệ các cơ sở hạ tầng trọng yếu ở một số thành phố lớn và hỗ trợ an ninh cho đồng minh, hoạt động của họ ít nhiều đều sẽ xoay quanh các căn cứ của Nga.
Tuy nhiên, lực lượng vừa được Nga triển khai đến Kazakhstan thực sự không đủ và họ cần bổ sung thêm quân. Một số đơn vị đã được nhắm đến như lữ đoàn cận vệ đổ bộ số 31, sư đoàn đổ bộ đường không số 98, trong thời gian tới có thể sẽ bổ sung thêm một số đơn vị lục quân, công binh và không quân trong điều kiện cho phép.
Về phần các nước CSTO khác, Belarus dự định sẽ triển khai lữ đoàn đổ bộ đường không 103 đến Kazakhstan, còn Tajikistan, Kyrgyzstan và Armenia, mỗi bên bao gồm một tiểu đoàn bộ binh nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể.