Tại hội nghị vừa diễn ra ngày 23/5, ông Phạm Lương Sơn (Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam) đã nêu ra những chuyên đề "nóng" sẽ được thảo luận, bao gồm hiệu quả của việc đưa hệ thống thông tin giám hiệu BHYT vào các cơ sở y tế; quy định công tác phát sổ bảo hiểm của bệnh nhân có thẻ BHYT; những vấn đề nổi cộm xung quanh việc phòng chống trục lợi quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh; phòng chống trục lợi quỹ ốm đau thai sản; gian lận định mức kinh tế kỹ thuật của DVYT...
Phát biểu về Hệ thống giám hiệu BHYT, ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định và TTĐT phía Bắc cho biết, từ tháng 6/2016, Trung tâm bắt đầu đưa hệ thống vào hoạt động, sau 6 tháng đã tiến đến bước đầu vận hành chính thức và toàn diện trên toàn quốc.
Ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định và TTĐT phía Bắc.
Sau khi thực hiện kết nối, hệ thống giám định tiếp tục thực hiện việc liên thông dữ liệu. Tính đến nay, hệ thống đã liên thông 12.218 cơ sở y tế (trên 97%), và kết nối 99% các cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như danh mục còn chưa đầy đủ, sai mã, sai tên...; chưa có thông tin về diễn biến điều trị, kết quả cận lâm sàng; tiến độ liên thông chậm; vẫn còn quá ít các quy chuẩn về điều trị, các công cụ đánh giá tính hợp lý trong thanh toán BHYT và thiếu chế tài.
Video: 'Trốn' đóng BHXH cho công nhân, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt nặng
Theo ông Đức, hiện nay, chất lượng dữ liệu vẫn chưa được các lãnh đạo quan tâm đúng mực, tỷ lệ hồ sơ từ chối dù đã giảm nhưng vẫn còn nhiều do các bệnh viện không chuẩn hóa danh mục.
Qua giám định, phát hiện nhiều bất thường về tần suất KCB, lạm dụng vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật sử dụng, các chi phí phát sinh một cách bất thường, lạm dụng việc chỉ định xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh; chỉ định sai quy trình kỹ thuật, chỉ định thanh toán không hợp lý, chỉ định dịch vụ kỹ thuật trùng lặp...
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT nhấn mạnh, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người bệnh. Bởi, ngoài việc được bảo hiểm y tế chi trả một phần chi phí khám chữa bệnh, bệnh nhân vẫn phải chịu thêm một khoản. Nếu bệnh viện lạm dụng việc chỉ định như vậy thì chi phí khám chữa bệnh mà bệnh nhân phải chi trả vẫn là rất lớn.
Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT.
Để tăng cường kiểm soát, ngăn chặn việc trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, hiện nay, BHXH Việt Nam đang kiến nghị Bộ Y tế phối hợp xây dựng chế tài để cơ quan BHXH được tạm dừng hợp đồng KCB BHYT với các cơ sở có dấu hiệu lạm dụng quỹ.
Tới đây, BHXH Việt Nam sẽ cùng với Bộ Công an tổng kết 5 năm công tác phối hợp, đưa ra các chế tài phù hợp cho các hành vi vi phạm. Đặc biệt, theo ông Sơn, một giải pháp được BHXH Việt Nam đặc biệt chú trọng hiện nay chính là đẩy mạnh việc phát huy vai trò của Hệ thống thông tin giám định BHYT và giám định BHYT điện tử.